Vấn đề đặt ra về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp
Liên kết trong đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các trường đại học. Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả 2 bên ngày càng có ý nghĩa cấp thiết, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Vai trò và các hình thức liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp
Tầm quan trọng của liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp
Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, các doanh nghiệp (DN) không ngừng đầu tư cho nguồn nhân lực, công nghệ quản trị và sản xuất. Bên cạnh đó, DN không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học mà còn phải chủ động sáng chế, phát triển và nghiên cứu công nghệ mới thông qua các chuyên gia giàu kinh nghiệm đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học hay viện nghiên cứu. Trường đại học thì có thể tiếp cận thực tiễn hiệu quả, chuyển giao công nghệ một cách trực tiếp, có điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm. Chính vì lợi thế so sánh mang tính bổ sung này mà trường đại học và DN có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác nhằm giải quyết những mối quan tâm của nhau một cách hiệu quả.
Hợp tác giữa trường đại học và DN đóng vai trò quan trọng trong việc hướng đến nền kinh tế tri thức vì nó thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ và gắn kết các hoạt động nghiên cứu cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN.
Các hình thức và mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp
Các hình thức hợp tác
Tùy theo yêu cầu và mong muốn giữa các bên mà trường đại học và DN lựa chọn hình thức hợp tác phù hợp. Có nhiều hình thức hợp tác giữa nhà trường và DN như: hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hoặc hỗ trợ về kinh phí nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên có được cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm… Đây cũng là điều kiện để DN có thể tư vấn, góp ý về chương trình đào tạo gắn với thực tiễn cũng như tiếp cận được nguồn sinh viên tốt nghiệp chất lượng.
Cụ thể, Davey và cộng sự (2011) đã giới thiệu 08 hình thức cơ bản hợp tác giữa trường đại học và DN là: hợp tác trong nghiên cứu; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên; thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; học tập suốt đời; hỗ trợ tinh thần sáng tạo khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp; tham gia quản trị nhà trường.
Mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp
Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trường đại học và DN trong việc phát triển chương trình dạy học, giáo sư Sharifah Hapsha Shahabudin (2013) đã đưa ra các hình thức cũng như cấp độ hợp tác từ truyền thống đến hiện đại như Hình 1.
Cần nhìn nhận rằng, hợp tác nhà trường và DN mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Việc lựa chọn hình thức hợp tác nào là tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
Thực trạng hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong thời gian qua
Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và DN được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thời gian qua là những tiền đề cơ bản, có tác dụng định hướng và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và DN. Có thể kể đến như:
Tại Luật Giáo dục Đại học năm 2012 có quy định: “Gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với DN. Cơ quan, tổ chức, DN có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”; Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI cũng chỉ đạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng”; Tiếp đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục chỉ đạo: “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”...
Với những quan điểm chỉ đạo này, Đảng ta luôn xác định, việc liên kết giữa nhà trường và DN là nhu cầu khách quan. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan được coi là chất xúc tác cho mối quan hệ này sớm được định hình và phát triển.
Thực tế cho thấy, hiện nay, một bộ phận DN đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, “đặt hàng” nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các DN… nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm, xây dựng bản lĩnh cho sinh viên. Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của DN bằng cách tham khảo ý kiến DN về chương trình đào tạo, mời các doanh nhân tham gia vào một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp...
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thời gian qua, đã đẩy mạnh việc liên kết với DN bằng 2 cấp độ: (i) Hợp tác liên kết giữa trường với các viện và các đơn vị thành viên thuộc trường và DN bên ngoài; (ii) Hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các DN và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các DN. Qua đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hợp tác toàn diện với các tập đoàn và DN lớn như: VinGroup, Viettel, Dầu khí… bình quân mỗi năm đã có gần 1.500 lượt cán bộ và hơn 1.200 lượt sinh viên được trao đổi với nước ngoài, hàng nghìn sinh viên bậc đại học được trao học bổng từ các DN; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai các đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của các DN.
Việc gắn kết với DN không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng, đa số các trường hiện nay đang hướng tới việc giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhờ sự hợp tác sâu rộng với cộng đồng DN, những năm gần đây, khoảng 90% sinh viên khối ngành kỹ thuật tốt nghiệp có việc làm ngay. Tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nhờ sự hợp tác sâu rộng với hơn 500 DN trong nhiều lĩnh vực, khoảng hơn 97% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.
Đại học Duy Tân đã kiên định chiến lược hợp tác với các đại học, các DN danh tiếng ở trong và ngoài nước để thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu và tạo việc làm cho sinh viên. Trong đó nhiều đơn vị như: Tập đoàn LogiGear Hoa Kỳ, Tập đoàn InterContinental, Tập đoàn Phúc lợi xã hội Seirei (Nhật Bản), Microsoft Việt Nam, Công ty TNHH Phần mềm FPT, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)… đã đánh giá cao sinh viên của Trường và đến trường tuyển chọn nhân lực giỏi ngay khi sinh viên đang còn chưa tốt nghiệp.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, việc hợp tác giữa các trường đại học và DN ở nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế tồn tại, cụ thể là:
Một là, hợp tác của các trường đại học thời gian qua chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho DN. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới.
Hai là, hợp tác đại học - DN ở Việt Nam còn mang tính ngắn hạn, hoặc gắn với tư tưởng nhiệm kỳ, chưa cam kết đảm bảo duy trì nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo đồng đều ở các sinh viên. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên.
Ba là, về phương thức, các đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ DN. Số lượng các ký kết hợp tác và số lượng các đối tác, các đại học có xu hướng tăng nhanh về mặt số lượng nhưng các đối tác DN vẫn chiếm tỷ trọng thấp.
Bốn là, vai trò hỗ trợ đào tạo của DN đối với đào tạo sinh viên còn mờ nhạt; Việc trao đổi của chủ các DN, lãnh đạo DN, nhà quản lý… và sinh viên trên lớp học còn rất ít.
Năm là, vai trò thúc đẩy hợp tác giữa lãnh đạo hai bên vẫn chưa được xây dựng trên cơ sở những cam kết có tính chất lâu dài và bền vững giữa các bên; Vai trò của Nhà nước chưa rõ rệt và chưa thể hiện được vị trí của người tạo ra “luật chơi”, “sân chơi” cho việc phát triển mô hình đại học - DN.
Giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa đại học và DN trong điều kiện Việt Nam hiện nay, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về phía các cơ quan nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự hợp tác giữa đại học và DN. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa đại học và DN. Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học.
Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm của DN trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo và hỗ trợ các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Thứ hai, về phía các trường đại học, cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và DN để từ đó xây dựng khung chương trình, thức đào tạo, đánh giá sinh viên... phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của DN trong từng giai đoạn. Tăng cường phối hợp với DN giải quyết những vấn đề thực tế của DN ngay từ khi ở trong nhà trường. Cử các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học tập, trao đổi kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình đào tạo. Phối hợp cùng DN tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất, những công nghệ hiện có nhằm giúp sinh viên định hướng được ngành nghề mình đang học và xác định mục tiêu học tập của sinh viên.
Thứ ba, về phía DN, cần thông tin cho các trường đại học về nhu cầu nguồn nhân lực của DN mình. DN cùng tham gia đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế. Hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất thông qua các hình thức hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học, xây dựng khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Cử các chuyên gia, chuyên viên, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập. Tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học hỏi kinh nghiệm.
Thứ tư, về phía sinh viên, cần xác định được tầm quan trọng của ngành nghề mà mình theo học, có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng trong quá trình học tập. Không ngừng học tập, rèn luyện, tham gia các diễn đàn, hội thảo tổ chức giữa nhà trường và DN, tham gia nghiên cứu khoa học… nhằm vận dụng các kiến thức đã học và thực tế DN.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Ngọc Huyền Vinh, Hà Thị Hường, Nguyễn Duy Phú (2022). Liên kết trường đại học và DN, góc nhìn từ một trường đại học của DN, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”, Huế;
- Đào Thu Trang (2022), Tăng cường hợp tác các cơ sở đào tạo với các DN, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”, Huế;
- Davey, T., Baaken, T., Galan Muros, V., Meerman, A. (2011), The State of European University: Business Cooperation. The DG Education and Culture Study on the Cooperation between Higher Education Institutions and Public and Private Organizations in Europe, 140;
- Marge, S., Alo, L. (2012), Indicators measuring university-industry cooperation. Discussions on Estonian Economic Policy.