Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0


Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành Kế toán, Kiểm toán. Lao động kế toán, kiểm toán đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn cùng với yêu cầu phải nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Bài viết này đề cập tới cơ hội, thách thức đối với nghề kế toán, kiểm toán, những yêu cầu đặt ra và giải pháp phát triển nghề kế toán, kiểm toán trong thời kỳ CMCN 4.0. Trên cơ sở đó bài viết đề xuất một số giải pháp để ngành kế toán, kiểm toán tận dụng tối đa những cơ hội có được, vượt qua những thách thức, phát triển hơn nữa nghề nghiệp, từng bước khẳng định vị trí trong khu vực và quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: Interrnet
Cơ hội và thách thức đối với nghề kế toán, kiểm toán

Dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hiện nay. Về cơ hội, có thể phân tích những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và CMCN 4.0 đến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán như sau:

- Mở rộng phạm vi làm việc và có nhiều cơ hội việc làm: Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy lưu chuyển vốn, công nghệ, lao động giữa các quốc gia, tăng cường đầu tư trực tiếp; mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người làm kế toán, kiểm toán.

- Hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo điều kiện cho dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển, trở thành dịch vụ mang tính quốc tế và khu vực. Hiện tại, để tăng thu nhập, không ít kế toán viên, kiểm toán viên chuyển sang làm kế toán, kiểm toán dịch vụ hay thành tập tổ chức cung ứng dịch vụ kế toán, kiểm toán.

- Tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến việc học tập, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn của đội ngũ kế toán, kiểm toán, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động của kế toán kiểm toán.

Bên cạnh những cơ hội có được từ tác động của CMCN 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

- Thách thức đầu tiên đó là để tham gia vào làn sóng dịch chuyển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán giữa các quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ cao, có thể hội nhập một cách hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.

- Sự vướng mắc trong áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán Việt Nam. Mặc dù Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã được xây dựng theo các Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế, tình hình doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, giữa VAS với IAS và IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) hiện nay vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Sự khác biệt lớn nhất được biểu hiện cụ thể ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu, song VAS lại ghi nhận theo giá gốc, dẫn đến giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng diễn biến thực tế của thị trường.

- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế: Tại Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán vẫn còn được thực hiện nhiều trên trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Do vậy, về lâu dài, nếu kế toán viên, kiểm toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong việc thực hiện công việc chuyên môn. Trong khi thực tế hiện nay, kiến thức, sự hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, công tác đào tạo cũng chưa chuyên sâu, nhất là với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo…

Yêu cầu đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán

Trên cơ sở phân tích cơ hội và thách thức đối với nghề kế toán, kiểm toán, có thể thấy để đáp ứng được với kỷ nguyên công nghệ số và với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, người làm kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp cần phải đạt được những yêu cầu cần thiết sau:

Năng lực chuyên môn: đòi hỏi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải có kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế…, thường xuyên trau dồi kinh nghiệm và cập nhật những thay đổi.

Đạo đức nghề nghiệp: kế toán, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong mọi công ty, cơ quan và tổ chức. Là một kế toán viên, bạn có vai trò là cầu nối giữa công ty và các bên liên quan như Nhà nước, đối tác, cổ đông và khách hàng. Xuyên suốt quá trình hành nghề, việc tuân theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là vô cùng quan trọng.

Trau dồi tiếng Anh chuyên ngành kế toán, tiếng Anh giao tiếp: trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc trau dồi, phát triển khả năng ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng mà người làm kế toán, kiểm toán cần hướng đến. Có vốn ngoại ngữ tốt sẽ giúp nhân viên kế toán, kiểm toán hiểu chi tiết hơn về hệ thống pháp luật, các quy tắc, chuẩn mực quốc tế, giúp quá trình làm việc, trao đổi nội dung, làm báo cáo… diễn ra thuận lợi hơn.

Hiểu biết về các công nghệ đột phá: để khai thác được giá trị của công nghệ trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ, truy xuất dữ liệu, tổng hợp hay phân tích dữ liệu… người làm kế toán, kiểm toán phải có hiểu biết nhất định về công nghệ đột phá như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ blockchain, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh…

Có kiến thức về kinh tế ứng dụng, tài chính học, có năng lực tư duy phản biện, phát hiện vấn đề nhằm đủ khả năng phân tích các tình huống kinh tế thực tế, phân tích chính sách, phân tích thị trường….

Cần thường xuyên học hỏi, trau dồi các kỹ năng cá nhân như kỹ năng giao tiếp, kết nối, hợp tác, đồng cảm, thương lượng, thuyết phục, lãnh đạo… Thực tế, công nghệ được sử dụng để giảm các công việc của kế toán, kiểm toán nhưng không thể thay thế được yêu cầu về kỹ năng con người như giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, đồng cảm… để phối kết hợp giữa mọi người trong tương tác với máy móc. Hay từ những thông tin kế toán viên phân tích được; kết hợp với kỹ năng tư vấn, thương lượng, thuyết phục hiệu quả sẽ giúp các nhà quản trị hiểu được thông tin kế toán; hiểu được thông tin mà người làm kế toán tư vấn; từ đó chấp nhận những thông tin tư vấn được cung cấp.

Giải pháp phát triển nghề kế toán, kiểm toán

Trên cơ sở nghiên cứu cơ hội, thách thức đối với nghề kế toán, kiểm toán và yêu cầu đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng tối đa những cơ hội có được, vượt qua những thách thức, phát triển hơn nữa nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Cụ thể như sau:

- Các cơ quan Nhà nước cần đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

- Để theo kịp sự phát triển của công nghệ, các cơ quan quản lý phải chuẩn bị tốt hơn nữa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Chú trọng vấn đề an ninh mạng. Đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh bảo mật; giám sát việc tuân thủ; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật… đảm bảo bí mật thông tin kế toán, kiểm toán.

- Nâng cao trình độ của đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên: chú trọng đổi mới và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu của ngành, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới. Cơ hội việc làm sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán - kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, sớm tìm hiểu và trang bị cho mình những bằng cấp, chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA Úc, CPA Việt Nam…

- Tăng cường vai trò và chất lượng hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp: Các tổ chức nghề nghiệp tiếp tục thực hiện tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề. Tham gia tổ chức thi chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập kế toán - kiểm toán. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán - kiểm toán và các tổ chức phi Chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm vê kế toán - kiểm toán; hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán - kiểm toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác về kế toán - kiểm toán.

Kết luận

Trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán, kiểm toán Việt Nam được xây dựng và phát triển cùng với việc tiếp tục tạo lập hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí kế toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và quốc tế thông qua hoạt động của cán bộ làm kế toán - kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp kế toán (hội kế toán, kiểm toán), tổ chức tư vấn nghề nghiệp hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Đặng Văn Thanh (2021). Xu thế chuyển đổi số trong kế toán, kiểm toán và đào tạo cử nhân kế toán, tham luận, Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số giảng dạy Kế toán trong bối cảnh đào tạo từ xa”, Học viện Tài chính, MISA, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức, ngày 25/8/2021.

2. Lê Thị Kim Triệu (2021). “Ngành kế toán trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29. Truy cập tại https://kinhtevadubao.vn/nganh-ke-toan-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40-21400.html

3. Nguyễn Thị Dung (2023). “Cơ hội và thách thức của nghề kế toán - kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7,  tháng 3. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-hoi-va-thach-thuc-cua-nghe-ke-toan-kiem-toan-viet-nam-trong-boi-canh-cong-nghe-so-105782.htm

Theo tapchicongthuong.vn