Vấn đề khủng bố và những tác động đến nền kinh tế

Minh Đức

Thời gian gần đây các vụ khủng bố đang diễn ra khắp thế giới và đều do các tổ chức cực đoan ra tay. Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) cho biết, năm 2014, các cuộc khủng bố đã làm thiệt hại của thế giới 52,9 tỷ USD. Tuy nhiên, khi đánh giá tác động của vụ xả súng và đánh bom đẫm máu của các phần tử khủng bố nhằm vào thủ đô nước Pháp hôm 13/11/2015 đến nền kinh tế hàng đầu châu Âu, nhiều chuyên gia tỏ ra không quá bi quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) cho biết, năm 2014, các cuộc khủng bố đã làm thiệt hại của thế giới 52,9 tỷ USD. Để ước tính mức thiệt hại mà các cuộc khủng bố gây ra, IEP đã tính toán giá trị thiệt hại tài sản do khủng bố, các chi phí y tế và thất thoát về thu nhập. Tuy nhiên, số liệu của IEP vẫn chưa đề cập tới số tiền các nước phải chi thêm nhằm tăng cường an ninh, chi phí tăng bảo hiểm cao hơn hoặc chi phí để giải quyết sự tắc nghẽn giao thông sau các vụ tấn công.

Khủng bố đã mang đến những thiệt hại về cả người và của, và điều đáng chú ý là trong đó, các quốc gia mới nổi là nước chịu thiệt nhiều nhất về cả kinh tế và người do an ninh ở những nước này được thực thi yếu kém. Nếu tính theo vùng thì Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, có tới 13.426 người thiệt mạng do khủng bố năm 2014.

Thống kê của IEP cũng chỉ ra rằng, Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm đã tuyên bố trách nhiệm cho cuộc tấn công ở Paris, cũng như vụ bắn rơi máy bay Nga ở Ai Cập, hiện đã vượt qua tổ chức Taliban ở Afghanistan để trở thành nhóm khủng bố tàn bạo nhất thế giới khi đã giết hại hơn 20.000 người trong năm 2014.

Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu, phân tích đánh giá về mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế từ các vụ khủng bố. Đa phần các nghiên cứu đều cho mức độ thiệt hại là đáng kể. Sau vụ đánh bom tàu hỏa tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11/3/2004, làm 191 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương, nghiên cứu của trường Đại học Complutense ước tính GDP của riêng thành phố Madrid đã suy giảm 0,16%.

Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs lại cho biết trong các vụ tấn công tương tự ở Madrid, những tác động lên các số liệu thống kê trên toàn quốc và niềm tin của toàn bộ giới tiêu dùng là tương đối nhỏ.

Về vụ xả súng và đánh bom đẫm máu của các phần tử khủng bố nhằm vào thủ đô nước Pháp hôm 13/11/2015, cướp đi sinh mạng của ít nhất 130 người và làm hàng trăm người bị thương, theo giới phân tích ước tính, lượng vé hòa nhạc bán ra đã giảm tới 80%. Những người mua sắm cũng đã rời xa các cửa hàng sầm uất ở Paris là Printemps và Galeries Lafayette, với lượng khách hàng giảm khoảng 30-50%. Ngoài ra, các khách sạn cũng đối mặt với nhiều quyết định hủy đặt phòng. Ngành du lịch Pháp chắc chắn bị thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra không quá bi quan về những tác động của vụ khủng bố này đến tình hình kinh tế Pháp. Nhà kinh tế Ashutoh Data từ IIFL Institutional Equities nhận định: “Bầu không khí thương mại đã bị ảnh hưởng trong vài tháng, song tình hình đã trở lại bình thường chỉ trong 3-6 tháng sau đó, bởi dù các vụ tấn công có kinh khủng thế nào thì người ta cũng không có cảm giác là đất nước đang trở nên bất ổn".

Tại Pháp, dường như các nhà đầu tư cũng sẽ không bỏ rơi quốc gia này. Theo Nhật báo Tây Pháp cho biết, thị trường chứng khoán Pháp mở cửa hai ngày sau vụ khủng bố, đã không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, khác hẳn với chứng khoán Mỹ suy sụp mạnh sau vụ 11/9. Thị trường nội địa Pháp cũng không mấy lo lắng, các siêu thị và quán café vẫn ghi nhận lượng khách như mọi khi. Nhật báo Tây Pháp cho rằng vụ khủng bố hôm 13/11 có tác động không quá lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng của Pháp trong năm nay vẫn sẽ là 1,1%.