Vấn đề tự chủ tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam
Trong những năm qua, hệ thống các trường đại học công lập ở Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giáo dục đại học cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học phải tự chủ tài chính, giảm áp lực ngân sách cho Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo, đã đặt ra không ít thách thức. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập một số vấn đề về tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập, trên cơ sở phân tích luận giải về một số giải pháp có tính quyết định đến chất lượng đào tạo và vai trò của nguồn lực tài chính.
Khung phân tích tự chủ đại học
Tự chủ đại học bao gồm 4 nội dung chính: Tự chủ về tổ chức; tự chủ về tài chính; tự chủ về nhân sự; tự chủ về học thuật (EUA,2013). Trong các nội dung này, tự chủ về tổ chức và tự chủ về tài chính được xem là những tiền đề quan trọng có khả năng hoàn thiện toàn bộ các nội dung tự chủ khác. Tự chủ tài chính cho phép các trường huy động nguồn lực tài chính và duy trì nguồn lực tài chính, đảm bảo việc tuyển chọn lực lượng học thuật tốt nhất, từ đó phát triển học thuật theo hướng sáng tạo đổi mới theo chiến lược của từng trường đại học.
Tổng quan về tự chủ tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam
Sau một thời gian thực hiện Chiến lược đổi mới giáo dục 2010-2020, giáo dục đại học nước ta đã phát triển rõ rệt cả về quy mô, đa dạng hoá về loại hình và các hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo và huy động nhiều nguồn lực xã hội cho đào tạo. Chất lượng giáo dục đại học ở một số ngành, lĩnh vực, cơ sở giáo dục có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chủ yếu được đào tạo tại các trường đại học công lập (ĐHCL) trong nước, đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và xây dựng phát triển đất nước.
Các nội dung chính của tự chủ đại học |
|||
Tự chủ về tổ chức |
Tự chủ về tài chính |
Tự chủ về nhân sự |
Tự chủ về học thuật |
Tự chủ về tổ chức thể hiện ở các nội dung sau: - Tuyển dụng hiệu trưởng, xác định các tiêu chí để tuyển dụng hiệu trưởng. - Quyết định nhiệm kỳ/miễn nhiệm hiệu trưởng. - Lựa chọn thành viên bên ngoài trường vào ban quản trị/ hội đồng trường. - Quyết định về tổ chức các khoa, bộ môn. - Quyết định chu trình, tiêu chí bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. |
Tự chủ về tài chính thể hiện ở các nội dung sau: - Quyết định mức học phí. - Trả lương cho giảng viên theo thành tích nghiên cứu và giảng dạy. - Phân bổ ngân sách một các độc lập. - Sở hữu bất động sản, tài sản tài chính. - Vay mượn, đầu tư ở thị trường tài chính. |
Tự chủ về nhân sự thể hiện ở các nội dung sau: - Tuyển dụng giảng viên và nhân viên có năng lực mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. - Quyết định tiêu chí, quy trình tuyển chọn, sa thải nhân sự. - Quyết định mức lương theo năng lực của giảng viên, nhân viên. - Quyết định các tiêu chí tăng lương, thưởng. - Quyết định các tiêu chí thăng chức vụ. |
Tự chủ về học thuật thể hiện ở các nội dung sau: - Quyết định số lượng sinh viên tuyển sinh. - Quyết định tiêu chuẩn tuyển sinh. - Mở ngành học. - Lựa chọn ngôn ngữ giảng dạy. - Lựa chọn cơ chế đảm bảo chất lượng. - Lựa chọn cơ quan kiểm định phù hợp. - Xây dựng nội dung giảng dạy theo những quy định khung. |
Nguồn: European University Association (2013) |
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đề cập tới giáo dục đào tạo đại học, xã hội đều đánh giá rằng chất lượng đào tạo đại học hiện nay còn thấp, còn có một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, nếu chỉ so sánh đầu ra - chất lượng đào tạo giữa Việt Nam và các nước phát triển mà không đặt trong mối quan hệ đầu tư cho đào tạo đại học ở Việt Nam và đầu tư của các nước phát triển sẽ là khập khiễng.
Hiện nay, trung bình trong một năm học tại các trường ĐHCL, mỗi sinh viên chỉ phải nộp khoảng 4,5 triệu đồng học phí, trong khi, bình quân mức học phí quy đổi ra đồng VND mà lưu học sinh Việt Nam phải trả cho các trường đại học ở nước ngoài tuỳ theo từng trường và từng chuyên ngành khoảng từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm (gấp khoảng 150 lần so với Việt Nam).
Ngoài ra, đối chiếu với khung phân tích tự chủ đại học, thì mức độ tự chủ tài chính của các trường ĐHCL Việt Nam là rất thấp, cơ bản các trường ĐHCL mới tự chủ về chi, chưa tự chủ về thu, đặc biệt là thu học phí, mức thu học phí của hệ công lập vẫn theo lộ trình quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, gần đây mức thu này có linh hoạt cho các lớp chất lượng cao nhưng điều này vẫn chưa mang tính chất phổ biến. Việc trả lương cho giảng viên vẫn chủ yếu theo hệ số, cấp bậc, phụ thuộc vào thang bảng lương theo quy định của Nhà Nước. Việc kinh doanh tài chính, mặc dù các trường đại học có chuyên môn song cũng chưa có cơ chế rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm để chính thức hoá các hoạt động kinh doanh này theo mô hình doanh nghiệp.
Tăng tính tự chủ trong xác định quy mô và cấu trúc thu cho các trường đại học công lập
Để tự chủ tài chính thực sự phát huy được vai trò đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Chính phủ cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực sự và đầy đủ trong cung cấp dịch vụ công gắn với nhu cầu của xã hội, cơ sở đào tạo ĐHCL được quyết định giá dịch vụ trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết theo khung giá do cấp có thẩm quyền ban hành; Được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao; Được huy động vốn cho đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Tự quyết định biên chế và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐHCL sang hình thức tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; Các trường ĐHCL được tự chủ trong việc đa dạng hoá các hình thức đào tạo, chủ động tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh gắn với khả năng đào tạo của nhà trường và nhu cầu xã hội, phù hợp với các tiêu chí đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước.
Đối với các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng các cơ sở đào tạo được quyết định các mức học phí để đủ trang trải toàn bộ chi phí đào tạo, đồng thời có tích luỹ để tái đầu tư, tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Đặc biệt, cần cho phép các trường ĐHCL thu hút các nguồn vốn từ xã hội, để phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học dưới hình thức liên doanh, liên kết.
Nhìn chung, tuy còn nhiều hạn chế và tồn tại nhất định trong hoạt động nhưng hệ thống các trường ĐHCL Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò chủ lực trong hệ thống giáo dục quốc dân, có ảnh hưởng và uy tính nhất định trong đào tạo đại học ở khu vực và trên thế giới. Sự phát triển của các trường ĐHCL Việt Nam sẽ luôn chịu sự chi phối trực tiếp bởi cơ chế, chính sách và các ưu đãi của Chính phủ.
Trao quyền tự chủ tài chính thực sự và đầy đủ trong mối quan hệ xác định rõ quyền và nghĩa vụ cho các trường ĐHCL sẽ là giải pháp chiến lược, là thước đo trình độ quản lý, sự đổi mới của Chính phủ đối với sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đại học của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;
2. University Chancellors Council (2012), Voluntary code of best practice for the governance of Australian university, Canberra, Australia;
3. Ngân hàng Thế giới (2012), Báo cáo phát triển thế giới;
4. Tổng cục Thống kê (2013), Số liệu thống kê về giáo dục, http:// www.gso.gov.vn;
5. EUA (European University Association) (2013), Dimensions of University Autonomy, http://www.university-autonomy.eu.