Vận động bầu cử đối với cử tri đồng bào dân tộc cần chân tình, kiên trì và đồng cảm

PV.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân khi tiến hành vận động bầu cử đối với cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chân tình, kiên trì và đồng cảm, nên biết và tránh những vùng cấm trong văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào. Đặc biệt, phải nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội ở địa bàn ứng cử, thấu hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương thì sẽ thuyết phục được.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác chuẩn bị nhân sự có nhiều chuyển biến tích cực

Điều đặc biệt của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Không khí dân chủ từ Đại hội Đảng tiếp tục lan tỏa, ảnh hưởng tích cực tới cuộc bầu cử lần này.

Theo quy định mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND về việc bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là nữ; có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Riêng HĐND các cấp, số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Trước cuộc bầu cử, nhiều ý kiến cũng lo ngại, cơ cấu, thành phần đối với ứng cử viên nữ và ứng cử viên người dân tộc thiểu số như thế là quá cao và không thể thực hiện được. “Công tác chuẩn bị nhân sự của cuộc bầu cử lần này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tôi cũng chưa thống kê được trong danh sách ứng cử viên chính thức của các địa phương như thế nào nhưng tỷ lệ ứng cử viên nữ và ứng cử viên là người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử không phải là con số mơ ước mà có thể hiện thực hóa được”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Về vấn đề đảm bảo cơ cấu đại biểu Quốc hội là người dân tộc, ông Thành cho rằng, muốn có đủ đại diện các dân tộc thiểu số trong Quốc hội, nhưng phải là những đại biểu bảo đảm chất lượng, theo đúng tiêu chí, yêu cầu mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội đã quy định đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Việc tìm kiếm ứng cử viên sáng giá đại diện cho đồng bào dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số cũng không dễ dàng vì có những dân tộc chỉ có khoảng 300 - 400 người, lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, bị hạn chế về nhiều mặt. Vì thế, về lâu dài, phải có giải pháp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số ít người để có thể lựa chọn được người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn làm đại diện cho đồng bào dân tộc trong Quốc hội. Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa bảo đảm yếu tố chất lượng, thì không nên đặt nặng vấn đề cơ cấu, không cốt đại diện cho đủ thành phần dân tộc.

Cần chuẩn bị tâm thế tốt

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, thực tế vận động bầu cử ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù khác so với ứng cử ở đồng bằng. Ứng cử viên phải đi rất xa, qua nhiều địa hình khó khăn. Ứng cử viên nên có mặt ở địa điểm tiếp xúc cử tri từ sớm. Có khi, thời gian vận động ứng cử là 8 giờ, nhưng phải đến 9 giờ cử tri mới tới được, vì họ cũng phải đi quãng đường khá xa. Ứng cử viên cũng phải biết kiên trì lắng nghe cử tri phát biểu ý kiến, vì do khả năng diễn đạt hoặc rào cản về ngôn ngữ nên cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số thường nói rất dài.

Hơn nữa, phong tục tập quán, môi trường, văn hóa, điều kiện sống của đồng bào dân tộc cũng có nhiều điểm khác biệt, chưa nói đến rào cản ngôn ngữ sẽ cản trở việc tiếp cận thông tin, chia sẻ, hiểu biết giữa ứng cử viên và cử tri. Do vậy, ứng cử viên lần đầu vận động bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải chuẩn bị tâm thế tốt, sẵn sàng đi đến vùng sâu, vùng xa với đồng bào dân tộc thiểu số bằng tình cảm, trách nhiệm, sự chân tình của mình và phải chấp nhận gian khổ.

Ứng cử viên phải có sự đồng cảm về văn hóa, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Cách ứng xử, ngôn ngữ của ứng cử viên cần tránh chạm vào vùng cấm văn hóa của đồng bào dân tộc. Những ứng cử viên đi vận động cử tri biết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc là một lợi thế. Quan trọng là phải nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội, thấu hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của cử tri khu vực đó thì sẽ thuyết phục được cử tri.

Kỳ vọng vào đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, chúng ta sẽ có đội ngũ đại biểu Quốc hội chất lượng, có tài, có đức. Cuộc bầu cử đang được thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm đủ cơ cấu, đại diện trong các vùng, miền, các dân tộc. Quan trọng nhất là phải truyền tải được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội.

“Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, quy trình hiệp thương chặt chẽ, tôi tin tưởng đội ngũ đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ thực sự là những gương mặt ưu tú, tạo nên sự bứt phá trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV”, ông Thành nhận định./.