Vận dụng kế toán quản trị chiến lược trong các quyết định về giá bán sản phẩm
Kế toán quản trị chiến lược (SMA) là hệ thống thông tin kế toán quản trị được dùng để hỗ trợ nhà quản trị ra quyết định mang tính chiến lược khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Vai trò, trách nhiệm của kế toán quản trị đang được mở rộng, bao hàm cả các nhu cầu đối với quá trình ra quyết định về: kiểm soát, thay đổi chi phí, giá, chiết khấu và sản phẩm… Tuy nhiên, hiện nay, kế toán quản trị chưa được coi trọng đúng mức trong phần lớn doanh nghiệp Việt Nam và khung khổ pháp lý về lĩnh vực này còn hạn chế. Bài viết phân tích vấn đề ứng dụng kế toán quản trị chiến lược trong quá trình ra quyết định liên quan đến giá bán sản phẩm nhằm cung cấp dữ liệu cho việc quản trị chiến lược của nhà quản trị trong doanh nghiệp.
Giới thiệu về kế toán quản trị chiến lược
Khái niệm về kế toán quản trị (KTQT) chiến lược lần đầu tiên được đề cập bởi Simmonds vào năm 1981 đăng trên Tạp chí Quản lý kế toán số 59 (Roslender và Hart, 2003; Cinquini và Tenucci, 2010; Langfield-Smith, 2008). Simmonds định nghĩa: KTQT chiến lược là cung cấp và phân tích dữ liệu KTQT về doanh nghiệp (DN) và đối thủ cạnh tranh của mình, để sử dụng trong kiểm soát và phát triển chiến lược kinh doanh.
Ông cho rằng, thông tin về đối thủ cạnh tranh (những thông tin liên quan đến chi phí, giá, thị phần…) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và giám sát chiến lược kinh doanh. Bromwich (1990) cho rằng, KTQT chiến lược cung cấp thông tin tài chính về thị trường, chi phí sản phẩm và cấu trúc chi phí của các đối thủ cạnh tranh. Bromwich cũng phát triển thêm luận điểm của Simmonds, ông cho rằng không chỉ cần so sánh DN với các đối thủ cạnh tranh mà còn cần đánh giá “lợi ích từ sản phẩm của DN trên góc độ khách hàng và trên góc độ DN”.
Như vậy, có thể hiểu, KTQT chiến lược là việc thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu KTQT về DN, đối thủ cạnh tranh và khách hàng, nhằm sử dụng cho việc phát triển và giám sát chiến lược kinh doanh của DN. KTQT chiến lược là một nội dung quan trọng của KTQT nhằm tạo ra giá trị cho tổ chức bằng cách hỗ trợ sự hình thành, lựa chọn, thực hiện và đánh giá các chiến lược của tổ chức với việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, thu thập thông tin tài chính và phi tài chính của cả môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức. Trong khi đó, KTQT truyền thống chỉ tập trung vào việc cung cấp thông tin nội bộ. Việc ứng dụng KTQT chiến lược trong các quyết định về giá bán sản phẩm là rất quan trọng nhằm xác lập một mức giá phù hợp cho sản phẩm, nâng cao tính minh bạch trong công tác kế toán và bảo đảm lòng tin cho khách hàng.
Vai trò của kế toán quản trị chiến lược
Thông tin do KTQT chiến lược cung cấp bao gồm các thông tin chi tiết liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh, liên quan đến chiến lược định giá bán sản phẩm nhằm phục vụ cho việc hoạch định chiến lược của nhà quản trị, bao gồm các quyết định trung hạn và quyết định dài hạn, có ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của DN. Vì vậy, KTQT chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu nhằm giúp nhà quản trị thực hiện toàn diện các chức năng quản trị. Theo đó, vai trò của KTQT chiến lược được thể hiện như sau:
- KTQT chiến lược có thể hỗ trợ phát triển chiến lược chi phí thấp nhất và dự báo sức mạnh của nền kinh tế có thể giúp các DN cải thiện thị phần của mình trên thị trường. KTQT chiến lược cũng có thể giúp DN lựa chọn được lĩnh vực nhất định để nâng cao tỷ suất lợi nhuận và cắt giảm các hoạt động gây lãng phí. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang nâng cao năng suất, chất lượng trong hoạt động của DN.
- KTQT chiến lược cố gắng giảm chi phí trong hoạt động kế toán của DN bằng cách giao thêm cho nhân viên KTQT việc lập kế hoạch chiến lược và quyết định quy trình hoạt động của DN.
- Các thông tin kinh tế bên ngoài từ KTQT có thể giúp DN lập kế hoạch cho những thay đổi nằm ngoài sự kiểm soát của DN như đối thủ cạnh tranh mới ra nhập thị trường hoặc các mối đe dọa từ hàng hóa, dịch vụ thay thế cạnh tranh với thị phần của DN.
Ứng dụng kế toán quản trị chiến lược về giá bán sản phẩm trong doanh nghiệp
Định giá bán sản phẩm có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Do vậy, các nhà quản trị DN thường coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính sứ mệnh lịch sử ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác. Trước hết, việc đưa ra giá bán sản phẩm tác động tới mức doanh thu và lợi nhuận của DN, giá bán cao tạo ra mức lợi nhuận lớn, giá bán thấp là thiệt hại cho DN. Song giá bán lại bị giới hạn bởi cầu của thị trường và tính cạnh tranh của sản phẩm. Do vậy, đưa ra giá bán phù hợp là vấn đề không đơn giản đối với nhà quản trị. Chính vì thế, nhà quản trị cần xây dựng giá bán phải thật khoa học, vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường và đảm bảo lợi nhuận tối đa. Cụ thể:
Một là, truyền đạt thông tin có ảnh hưởng liên quan đến giá bán và chiết khấu sản phẩm.
Giá bán sản phẩm của DN là một phạm trù kinh tế có tính lịch sử, song nó thể hiện trình độ tổ chức và quản lý các yếu tố sản xuất của các nhà quản trị. Do vậy, để đưa ra giá bán phù hợp, yêu cầu nhà quản trị phải am hiểu về kế toán chi phí, doanh thu và lợi nhuận, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, môi trường kinh doanh. Định giá bán sản phẩm có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN vì nó tác động tới mức doanh thu và lợi nhuận của DN. Định giá bán sản phẩm dựa trên chi phí là phương pháp phổ biến nhất trong tất cả các DN và có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Chi phí sản xuất ra sản phẩm là yếu tố có tính chất quyết định trực tiếp tới kết quả và hiệu quả tài chính cuối cùng của DN, đó là nhân tố để DN tồn tại và phát triển như thế nào trên thị trường. Do vậy, chỉ cần sự thay đổi đáng kể của chi phí, các nhà quản tri lại có quyết định định giá mới.
Xem xét trường hợp tại một DN kinh doanh sản phẩm X, dự kiến mức tiêu thụ trong một năm là 10.000 sản phẩm, các số liệu liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ dự kiến như sau:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: 9.000 đồng/sản phẩm
- Chi phí nhân công trực tiếp: 8.000 đồng/sản phẩm.
- Biến phí sản xuất chung: 6.000 đồng/ sản phẩm.
- Biến phí bán hàng và quản lý: 3.000 đồng/sản phẩm.
- Tổng định phí sản xuất chung: 70.000.000 đồng.
- Tổng định phí bán hàng và quản lý: 20.000.000 đồng.
- Tỷ lệ hoàn vốn mong muốn (ROI): 20%
- Vốn hoạt động bình quân: 500.000.000 đồng
Giá bán sản phẩm được xác định gồm 2 yếu tố là chi phí nền và số tiền cộng thêm, chi phí nền bao gồm toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và phần tiền bù đắp các khoản chi phí liên quan đến quá trình tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, có thể xác định:
+ Chi phí nền = CPSX/1 sản phẩm = 30.000 đồng/sản phẩm.
+ Mức lợi nhuận mong muốn = 20% x 500.000.000 đồng = 100.000.000 đồng.
+ Tỷ lệ số tiền cộng thêm là 50%.
+ Giá bán sản phẩm: 30.000 + (30.000 x 50%) = 45.000 đồng/sản phẩm.
Theo phương pháp định giá bán cộng thêm dựa vào chi phí toàn bộ, giá bán trong trường hợp này là 45.000 đồng/sản phẩm. Nếu yếu tố chi phí nguyên vật liệu thay đổi 10% thì giá bán sản phẩm sẽ tăng tương ứng 10%. Điều này có nghĩa là chi phí là cơ sở quan trọng để ra quyết định về cơ cấu mặt hàng cần sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.
Hai là, phân tích các thông tin tác động đến việc xác lập giá bán.
Cùng với việc phân tích các nhân tố bên trong liên quan đến việc định giá đó là chi phí, DN cần phải phân tích các yếu tố tác động đến giá bán và những ảnh hưởng từ bên ngoài như là nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm DN đang sản xuất. Nhu cầu của thị trường là yếu tố quan trọng tác đông đến DN. Cung cầu chi phối đến giá của một hàng hoá thể hiện thông qua mức giá cân bằng. Giá cân bằng là mức giá mà tại đó lượng sản phẩm người mua muốn mua đúng bằng lượng sản phẩm người bán muốn bán. Do vậy, để đưa ra quyết định giá bán có độ tin cậy cao, các nhà quản trị thường phải nắm bắt các thông tin về số lượng khách hàng có nhu cầu, mức thu nhập của khách hàng, số lượng các sản phẩm cùng loại trên thị trường và khối lượng các sản phẩm của từng nhà cung cấp tung ra thị trường. Các nhà quản trị cũng cần dự đoán xu hướng vận động nhu cầu của thị trường để đưa ra các quyết định định giá bán sản phẩm đúng thời điểm nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Ba là, tính cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Đây là nhân tố rất quan trọng trong các quyết định về giá bán sản phẩm của các nhà quản trị. Đối với các sản phẩm độc quyền bán, nhà quản trị có thể định giá bán sản phẩm cao nhằm thu tối đa lợi nhuận. Đối với các sản phẩm cạnh tranh, nhà quản trị đưa ra giá bán phù hợp vì nếu giá bán cao quá sẽ không tiêu thụ được, hoặc giá bán thấp quá, DN sẽ mất đi lợi nhuận. Do vậy, nhà quản trị cần nghiên cứu yếu tố cạnh tranh trên thị trường thông qua những điểm sau: uy tín và vị thế của DN hiện tại, chiến lược dài hạn của DN như thế nào, các chỉ tiêu tài chính đã minh bạch trên thị trường chứng khoán ra sao…
Bốn là, phân tích các thông tin thích hợp liên quan đến quá trình định giá bán sản phẩm.
Phân tích các thông tin liên quan đến giá bán sản phẩm được xem xét cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn. Trong ngắn hạn, thông tin về các khoản chi phí phù hợp liên quan đến việc xác lập mức giá bán cho sản phẩm được sử dụng để kết hợp sản phẩm tối đa hóa lợi nhuận và loại bỏ các sản phẩm kinh doanh thua lỗ. Giá nên được thiết lập bằng cách sử dụng phương pháp định giá dựa trên chi phí trực tiếp, trong đó chi phí cố định được giả định là không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ quyết định giá cả.
Trong dài hạn, hầu hết các DN đều dựa vào toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để xác định giá bán mục tiêu hay giá bán tiêu chuẩn, từ đó có thể điều chỉnh tăng giá hoặc giảm giá tùy thuộc vào tình hình cầu hàng hóa.
Có một số trường hợp đặc biệt mọi DN phải xét tới khi định giá như DN có thể nhận được đơn đặt hàng có số lượng nhiều, hoặc đơn đặt hàng từ nước ngoài hay DN đang hoạt động trong những điều kiện sau:
- DN đang còn năng lực nhàn rỗi muốn mở rộng lợi nhuận.
- DN đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
- DN phải đương đầu với các đối thủ cạnh tranh.
- DN phải đấu thầu để giành hợp đồng kinh doanh.
Những trường hợp này DN phải đưa ra quyết định giá đặc biệt. Trong 2 cách định giá bán sản phẩm sản xuất hàng loạt là định giá bán sản phẩm sản xuất theo chi phí trực tiếp và theo chi phí toàn bộ thì định giá bán theo chi phí trực tiếp linh hoạt hơn vì nó có những ưu điểm:
+ Cung cấp cho người lập giá nhiều thông tin chi tiết hơn so với cách tính theo chi phí toàn bộ.
+ Thông tin được cung cấp phù hợp với mối quan hệ chi phí - sản lượng - lợi nhuận (CVP), thích hợp cho việc lựa chọn các quyết định.
+ Nhấn mạnh đến số dư đảm phí, cung cấp cho nhà quản trị một phạm vi linh hoạt, có thể đưa ra quyết định nhanh về giá mà không cần phải phân tích thêm, không phải làm một số công việc nghiên cứu các tài liệu chi phí để có thêm thông tin như cách tính toàn bộ.
Tóm lại, trong hội nhập kinh tế hiện nay, ngoài những cơ hội phát triển, DN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nhà quản trị DN phải thu thập các thông tin về giá, truyền đạt các thông tin liên quan đến việc xác lập giá, phân tích các nhân tố tác động đến giá bán để xác lập mức giá phù hợp cho sản phẩm. Việc ứng dụng KTQT chiến lược trong định giá bán sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc ra quyết định chiến lược, qua đó giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Hoàng Khánh Vân (2016), Thông tin chi phí trong định giá bán của doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016;
- Trần Hồng Vân, Trần Thị Phương Lan (2020), Mức độ vận dụng SMA trong các DN Việt Nam, Tạp chí Công thương số 19, tháng 8/2020;
- Bromwich, M. (1990), “The Case for Strategic Management Accounting: The Role of Accounting information for Strategy in Competitive Markets”, Accounting Organizations and Society, Vol. 15 No.1/2, pp. 27-46;
- Cadez, S. And Guilding, C. (2008), “An Exploratory investigation of An Integrated Contingency Model of Strategic Management Accounting”, Accounting, Organizations and Society, 28 (2-3); 127-168.