Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay

Trần Thị Phương Hạnh, Trần Văn Giảng - Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên

Hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực đang là xu thế tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập kinh tế với những lợi thế và thách thức. Chính vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Bài viết nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tư tưởng Hồ Chí Minh – Luận điểm kinh tế có giá trị to lớn

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế là hết sức cần thiết.

Về vấn đề hội nhập kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận: Hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) là tất yếu. Vì sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ phụ thuộc vào con người, tài nguyên, vị trí, truyền thống của quốc gia đó, mà một phần quan trọng tùy thuộc vào các mối liên kết quốc tế mà trước hết là về mặt kinh tế.

Tư tưởng độc lập tự chủ trong hội nhập KTQT của Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất và gắn liền với tư tưởng chủ động, tích cực, “tự lực cánh sinh”, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, không ỷ lại ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.

Phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước cũng chính là để sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn nguồn lực từ bên ngoài; đồng thời, có chính sách thu hút tốt các nguồn lực từ bên ngoài sẽ phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn các nguồn lực trong nước.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội (CNXH), hoạch định Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và giương cao Cương lĩnh ấy trong hành động, đã xác định (CNH-HĐH) là nhiệm vụ trung tâm suốt thời kỳ quá độ lên CNXH.

CNH-HĐH tạo ra cơ cấu kinh tế mới, phân công lao động mới, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong khi chủ động hội nhập KTQT tạo ra năng suất lao động cao, cải thiện căn bản đời sống vật chất và văn hóa toàn xã hội...

Tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế

Những thành tựu quan trọng về kinh tế đạt được trong công cuộc đổi mới đã chứng tỏ nhận thức và tổ chức thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần là hoàn toàn đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Phát triển kinh tế cần đi trước một bước và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật là nhiệm vụ trung tâm trong suốt cả thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Phát triển kinh tế là tiền đề, là cơ sở cho sự phát triển văn hoá nhằm xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện vật chất bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là động lực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định. Theo đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2020, Đảng ta xác định 5 quan điểm lớn như:

Thứ nhất, phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược.

Thứ hai, đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ ba, mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thứ tư, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Từ các quan điểm trên, một số giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế theo tư tưởng Hồ Chủ tịch cũng được Đảng ta quan tâm chỉ đạo. Cụ thể như:

Một là, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN phù hợp với điều kiện mới của đất nước và tình hình thế giới; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và nền văn hóa XHCN tiên tiến đậm đà bản sắc Việt Nam.

Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp. Trong đó, bảo đảm:

- Giải quyết hài hòa các quan hệ về lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế của các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa chủ và thợ, giữa lợi ích của công nhân, nông dân, trí thức, doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích quốc gia và quốc tế;

- Kinh tế nhà nước thực sự “giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật”;

- Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; trong đó, cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác phù hợp để gia tăng sản xuất, phát triển sản xuất nhằm mang lại no đủ, giàu có, thịnh vượng, công bằng, tiến bộ, hạnh phúc cho đa số nhân dân lao động;

- Các tổ chức xã hội có điều kiện hợp tác, hỗ trợ nhà nước, khi cần thiết có thể đấu tranh với các thế lực tự phát của thị trường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Ba là, tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ về nhận thức lý luận, hoàn thiện về mặt thể chế và quyết liệt, đồng bộ trong tổ chức thực thi để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm những điều kiện tốt nhất trong nghiên cứu lý luận, trong đổi mới tư duy về kinh tế; bảo đảm dân chủ trong xây dựng và thực thi chính sách, thể chế kinh tế vừa là mục tiêu, nhiệm vụ vừa là phương thức, động lực và là giải pháp chiến lược cho vấn đề tạo lập cơ sở kinh tế để thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta hiện nay.

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế đã và đang có nhiều biến đổi, việc nhận thức đầy đủ và tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác KTQT không chỉ là yêu cầu mà còn là điều kiện cần thiết để góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Thực tế đã cho thấy, chỉ trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới có thể huy động được sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, từng bước đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 2016;

2. Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 229;

3. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 6), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996;

4. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 8), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.