Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017):
Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Tài chính Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời, Người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thế giới và đã trở thành nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam nói riêng, của quốc tế cộng sản nói chung. Người đã để lại một hệ thống lý luận, quan điểm, tư tưởng có giá trị to lớn về nhiều lĩnh vực, như vấn đề chính trị, quân sự và ngoại giao. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế tài chính của đất nước cũng luôn được Người dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Tại nhiều hội nghị, từ hội nghị chính trị, quân sự cho đến các hội nghị đoàn thể, hoặc trong nhiều bài viết của Người, chúng ta cũng bắt gặp ý kiến chỉ đạo của Người về công tác kinh tế tài chính, như: Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc và phục vụ cho phát triển kinh tế, hay, Phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, hoặc như cần phải Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính…
Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc và phục vụ cho phát triển kinh tế
Luận điểm này cũng là cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh về tài chính. Người nhấn mạnh, phải dựa vào sản xuất và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, làm nền và tạo sự vững vàng cho nền tài chính quốc gia. Tài chính với chức năng tập trung, phân phối và giám sát bằng đồng tiền mọi hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiệm vụ bồi dưỡng, khai thác nguồn thu, phân phối, bố trí và sử dụng các nguồn lực đúng mục đích có hiệu quả.
Nguồn lực của tài chính, đơn giản được hiểu là mọi khoản thu của ngân sách nhà nước chủ yếu là từ sản xuất, từ kinh tế. Sản xuất có phát triển, có tích lũy thì tài chính nhà nước mới có nguồn thu, tài chính trong dân cư mới dồi dào và có tiềm lực mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của tăng gia sản xuất, Người "đề nghị phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất", "Phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm" và "Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm". Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta". "Toàn thể đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất...Tăng gia sản xuất phải có kế hoạch thiết thực".
Chính sách tài chính, hoạt động tài chính, đặc biệt là chính sách huy động nguồn lực, chính sách thuế, phí, lệ phí, chính sách động viên, phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, vừa đảm bảo huy động được nguồn lực, vừa bảo vệ nguồn thu, bồi dưỡng và phát triển nguồn thu. Phải có tầm nhìn dài hạn trong chính sách thu.
Sản xuất kinh doanh là gốc, là nền tảng của tài chính nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. "Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay". “Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết tiệm...để làm cho dân giàu, nước mạnh". Việc bố trí, phân phối nguồn lực tài chính, các khoản ngân sách nhà nước cho phát triển, cho tiêu dùng phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân.
Phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả
Đầu tiên việc phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính phải nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn cách mạng. Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã chỉ rõ: “ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà” nhưng cũng “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người yêu cầu mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.
Tài chính liên quan đến hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, các hoạt động. Vì vậy Bác căn dặn chúng ta phải biết phân bổ sử dụng các nguồn lực tài chính sao cho tiết kiệm và có hiệu quả. Nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đảng ngày 18 tháng 1 năm 1949, Bác nói: “Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta”.
Tháng 1/1965 trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Bác cũng đã căn dặn các ngành, các tổ chức kinh tế, các cơ quan nhà nước cũng như toàn thể nhân dân phải biết sử dụng đồng tiền cho tốt, đồng tiền bỏ ra phải đảm bảo tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh chóng tránh để ứ đóng, phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để đưa vào sản xuất.
Việc phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính cũng phải đảm bảo tính công bằng, hợp lý; cũng như phải thực sự công khai, minh bạch và dân chủ.Và cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính-kinh tế, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính
Đối với vấn đề quản lý, kiểm tra và giám sát tài chính, phải xây dựng và quản lý nền tài chính quốc gia một cách thống nhất, công khai và dân chủ, đồng thời phải hết sức coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, trong điều kiện nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, kém phát triển, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng về xây dựng và phát triển kinh tế và nền tài chính kháng chiến.
Người cho rằng: phải thống nhất quản lý tài chính tiền tệ, tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính, phải coi công tác tài chính là then chốt, việc quản lý là của quốc gia; Người cũng đề cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý kinh tế tài chính, bởi lẽ có công khai, dân chủ, minh bạch mới động viên được sức người sức của nơi dân, mới tập hợp được lực lượng của quần chúng nhân dân để chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Tiếp đó là vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong quản lý tài chính. Tư tưởng của Người về tiết kiệm vô cùng rộng lớn, sâu sắc, bao gồm tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, tiền bạc, thời gian, sức lao động…
Bản thân Bác cũng là một tấm gương sáng về sự giản dị, tiết kiệm. Khi nói về vai trò của tiết kiệm, Người khẳng định: “Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội, mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”...