Vẫn khó đẩy lùi tín dụng đen
Hơn 80 vụ giết người, hơn 800 vụ cố ý gây thương tích và hàng ngàn vụ lừa đảo tài sản liên quan đến tín dụng đen đã xảy ra trong năm 2018. Điểm đáng ngại hiện nay là hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các cơ sở kinh doanh, công ty tài chính trong khi các quy định pháp lý chưa đủ sức răn đe và dịch vụ ngân hàng vẫn chưa thuận tiện với nhiều người dân.
Tìm đến tín dụng đen vì quẫn bách
Theo ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an, tín dụng đen đã có từ rất lâu và được chú ý nhiều ở thời điểm gần đây. Hiện nay, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen hoạt động mạnh ở Tây Nguyên và các vùng nông thôn, đây là những địa phương trồng cây nông nghiệp, công nghiệp nhưng mất mùa đẩy nhu cầu vốn lên cao.
“Tín dụng đen chủ yếu là do người dân quẫn bách và cần vay một cách nhanh gọn. Khi những người cần tiền thiếu thông tin về tài chính, nhiều người hám lợi tìm cách cho vay hoặc tham gia làm trung gian huy động vốn của người thân, bạn bè để cho vay lại với lãi suất cao hơn. Cũng có một bộ phận nhỏ vay tiền để chơi cờ bạc”, ông Tám nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo vị phó cục trưởng này, nhiều công ty đòi nợ thuê hoạt động cho vay tín dụng đen và sử dụng các thủ đoạn biến tướng để ép người đi vay phải trả lãi ở mức rất cao.
Từ góc độ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra NHNN, hiện chưa có khái niệm chính thức và chưa có quy định pháp luật riêng về tín dụng đen. Thực tế, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi.
Tín dụng đen cho vay không cần thế chấp, cần thẻ sinh viên, chứng minh thư… Thủ tục cho vay nhanh, không quy định lãi suất mà quy định số tiền nhất định trong ngày ví dụ 1 triệu đồng/ngày. Để thu nợ, đối tượng cho vay sử dụng nhiều biện pháp trái pháp luật như đe doạ, sử dụng đòi nợ thuê.
Hạn chế tín dụng đen bằng cách phát triển tín dụng chính thức
Ông Phạm Huyền Anh cho biết, do hoạt động ngầm nên phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng đen chỉ được phát hiện khi đổ vỡ. Mặc dù cơ quan thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan tín dụng đen, đưa thông tin cảnh báo người dân, nhưng tình trạng tín dụng đen vẫn phát triển, đặc biệt trong thời gian gần đây.
Về giải pháp hạn chế tình trạng này, vị phó chánh thanh tra đề xuất hệ thống ngân hàng cần hoàn thiện cơ chế chính sách về cho vay, bao gồm cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. “Các ngân hàng cần tiếp tục đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay đảm bảo quy định và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và thủ tục vay, đặc biệt là cho vay với các hộ nông dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn. Đồng thời, cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, công khai các mức lãi suất, hướng dẫn thủ tục vay vốn”, ông Huyền Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Tám cho rằng, hình phạt với hoạt động tín dụng đen hiện vẫn còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận tín dụng đen mang về cao gấp nhiều lần số phạt. Đồng thời, chưa có quy định chế tài về vay tín chấp không thế chấp tài sản.
Về giải pháp cải thiện việc xử lý tín dụng đen, theo ông Phạm Văn Tám, cần huy động cả lực lượng chính trị, không chỉ riêng Bộ Công an. “Các ngân hàng cũng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng, giáo dục tư tưởng cán bộ nhân viên. Đề nghị ngân hàng hỗ trợ lực lượng công an khi đề nghị giám định lãi suất, bởi nếu giám định quá lâu, tội phạm đã bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố", ông Tám nói.
Mặt khác, theo vị phó cục trưởng này, hệ thống ngân hàng cần mở rộng và đa dạng hóa các loại hình cho vay, có các gói, khoản vay ưu đãi nhất là vay học đường, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh thu hút nguồn tiền, vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để huy động tối đa nguồn vốn phục vụ người dân. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và thủ đoạn, phương thức hoạt động, tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.