Vấn nạn rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật

Trang Trần

(Taichinh) - Ngoài các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trò chơi có thưởng và tài khoản ngân hàng, các tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật đang ngày càng trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các đối tượng rửa tiền thực hiện hành vi của chúng và điều đáng nói là rất khó để có thể phát hiện hành vi này.

Các tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật đang ngày càng trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các đối tượng rửa tiền.
Các tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật đang ngày càng trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các đối tượng rửa tiền.

Khối lượng khổng lồ “tiền bẩn” được làm sạch

Các tác phẩm nghệ thuật với tính đặc thù khó kiểm soát dường như ngày càng trở thành “thiên đường” cho tội phạm rửa tiền và trốn thuế. Giáo sư, nhà kinh tế học Nouriel Roubini, Đại học New York (Mỹ) từng khẳng định rằng có rất nhiều hành vi trong bóng tối mà một trong số đó là những người dùng các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm đắt tiền là cách để rửa tiền. Rất nhiều vụ mua bán là giả mạo, kinh doanh đấu giá trình diễn với nhiều mục đích không trái pháp luật. Trước đây, cũng đã có nhiều cảnh báo về vấn nạn này bởi ngành công nghiệp nghệ thuật đã, đang và sẽ có một khối lượng lớn các giao dịch bất hợp pháp và đáng ngờ.

Tội phạm rửa tiền có thể dễ dàng thu lợi nhuận khổng lồ qua việc mua bán các tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật. Loại tội phạm này được đánh giá là sự nan giải và nhức nhối trên toàn thế giới chỉ sau ma túy và buôn bán vũ khí. Mỗi năm, chúng có thể thu đến 6 tỷ USD được che giấu và chuyển giao qua hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Số tiền này chủ yếu được dùng để hỗ trợ cho những hoạt động phạm tội có tổ chức.

Một trong nhưng quốc gia nhức nhối về vấn nạn này là Trung Quốc. Tại quốc gia này, thời gian qua đã rộ lên phong trào những kẻ làm giàu bất chính (gian lận thương mại, tham nhũng và nhiều tệ nạn khác... ) làm sạch “tiền bẩn” bằng việc đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật… Quy mô thị trường này của Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thế giới với giá trị của các vụ đấu giá tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2008 lên 9 tỉ USD năm 2011.

Rất khó để phát hiện

Cái khó với các cơ quan chức năng trước chiêu trò rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật là khó xác định được giá trị thực cảu các tác phẩm này. Bởi trên thực tế, sự khác biệt ở các sản phẩm nghệ thuật so với những lĩnh vực khác nằm ở chỗ giá trị của chúng phụ thuộc vào sự cảm nhận của mỗi cá nhân. Thêm vào đó, tên của người bán và người mua cũng ít khi được công khai vì vậy rất khó để biết được chủ nhân thực sự của những giao dịch mua bán các tác phẩm nghệ thuật để xác minh những nghi vấn về nguồn tiền trong các giao dịch này.

Các tác phẩm nghệ thuật này phần lớn lại rất lại dễ dàng đưa ra khỏi biên giới và cũng khó để có thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt được dùng phổ biến cũng là một thách thức đặt ra trong việc truy vết dòng tiền bất chính này.

Thậm chí, các tác phẩm nghệ thuật có thể được tội phạm rửa tiền lưu giữ trong thời gian vô hạn ở bất cứ những nơi “ẩn náu” miễn phí nào đó mà không ai biết. Phương thức này được các chuyên gia nhận định nó tương tự như một tài khoản tiền gửi an toàn được mở tại ngân hàng. Trong khi đó, các giao dịch mua bán các tác phẩm nghệ thuật là hoạt động kinh doanh ít được điều chỉnh bởi luật lệ cũng như các công cụ giám sát và thiếu minh bạch.

Thêm nữa, các đối tượng vi phạm pháp luật đặc biệt là tội phạm rửa tiền lại rất biết cách tận dụng những “cái khó” trên của các tác phẩm nghệ thuật để thực hiện “rửa” một khối lượng lớn “tiền bẩn”. Để khắc phục những kẽ hở trên và hạn chế tối đa loại tội phạm này lợi dụng lĩnh vực nghệ thuật, ông Roubini cho rằng ngành công nghiệp nghệ thuật nên tạo ra một quy tắc ứng xử để làm sáng tỏ hơn các giao dịch giống như tất cả các thị trường khác để tăng thêm tính minh bạch và thông tin trong kinh doanh tác phẩm nghệ thuật.