Văn phòng Chính phủ công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ đã công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Cụ thể, 03 dịch vụ công trực tuyến thứ 998, 999 và 1.000 vừa được tích hợp, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVCQG.
Trong đó, dịch vụ công trực tuyến thứ 998 là dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; dịch vụ công trực tuyến thứ 999 là Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; dịch vụ công trực tuyến thứ 1000 là Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).
Văn phòng Chính phủ cho biết, đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện các đơn vị sử dụng lao động hàng tháng đều thực hiện việc này bằng hình thức thủ công, mất khá nhiều thời gian, nhân lực thực hiện các việc như chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động...
Từ ngày 19/8, dịch vụ công thiết yếu này được thực hiện trực tuyến sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu BHTN của người lao động hàng tháng.
Ngoài thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt việc dịch vụ này được tích hợp trên Cổng DVCQG còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục, qua đó số tiền tiết kiệm được của toàn xã hội hàng năm sẽ khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm.
Sau hơn 8 tháng vận hành, từ cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương đến nay đã có 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng DVCQG.
Đối với dịch vụ Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất). Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan bảo đảm việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan.
Dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 800.000 đơn vị sử dụng lao động. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công mỗi năm, theo đó chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu khoảng hơn 344 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về điều này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính đang được Ngành này triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia theo lộ trình, mục tiêu tại Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia; triển khai các giải pháp kỹ thuật để kết nối, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đến nay đã cung cấp được 13 dịch vụ công. Ngoài ra, đã tích hợp, cung cấp thêm 3 dịch vụ công để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Với dịch vụ Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3, theo Văn phòng Chính phủ, thời gian đầu dịch vụ được thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Với việc áp dụng thí điểm dịch vụ này tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng.