Vào EVFTA: Tăng cơ hội việc làm ở nhiều ngành
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dự báo, lực lượng lao động trong một số ngành sẽ tăng như khai khoáng, dệt may, vận tải đường thủy…
Cụ thể, lao động trong ngành khai khoáng tăng khoảng 3,41%/năm; dệt tăng 1,53%/năm; sản xuất trang phục tăng nhẹ khoảng 0,38%/năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hằng năm cao hơn như vận tải đường thủy (3,7%); sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc thiết bị (2,49%)….
Số liệu vừa được Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU” cuối tuần qua tại Hà Nội.
Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức nhằm rà soát lại các cam kết về lao động và xã hội trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đồng thời, đánh giá tác động của các cam kết này đối với lĩnh vực lao động – xã hội; dự kiến các kế hoạch sửa đổi pháp luật lao động của Việt Nam để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và góc nhìn từ thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do là cam kết đối với các nguyên tắc và các quyền lao động cơ bản được đề cập đến trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1998 bao gồm: cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cấm phân biệt đối xử và tự do hiệp hội (trong quan hệ lao động). Mức độ cam kết vấn đề lao động-xã hội trong các thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam - EU được xếp vào loại mang tính thúc đẩy, khuyến khích sự tuân thủ.
Bà Dung chỉ rõ, thách thức của doanh nghiệp trong thời gian tới là việc thực hiện các điều kiện lao động nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện giám sát và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động trong quá trình thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thông qua nhiều diễn đàn cũng như đối thoại hàng năm như với EuroCham, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó các nội dung về luật lao động cũng được chia sẻ khá rộng rãi.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong khoảng giai đoạn từ năm 2020 – 2030, không chỉ có việc làm tăng lên mà dự kiến tiền lương cũng sẽ tăng lên, trong đó tăng cao nhất là đối với lao động có tay nghề thấp. Việc chuyển dịch lao động trong các ngành nghề sẽ tiếp tục thúc đẩy di cư lao động nội địa.
Mặc dù có thể sẽ tác động tích cực đến việc làm và thu nhập nhưng việc gia nhập EVFTA sẽ tạo áp lực đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo, gia tăng bất bình đẳng, phân hóa thu nhập. Quá trình hội nhập có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường nếu không có một chiến lược nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ và chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hợp lý...
Đề cập về những khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn lao động và các yêu cầu khi tham gia EVFTA, luật sư Trần Văn Chương (Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, song hành cùng những cơ hội phát triển là sức ép cạnh tranh đối với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chắc chắn, khi hội nhập, lao động Việt Nam sẽ phải chịu nhiều bất lợi từ việc mở cửa thị trường. Điều này sẽ khiến hàng hóa của các nước nhất là hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng càng lớn và đa dạng, chất lượng tốt và tâm lý sính hàng ngoại sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Thị trường châu Âu cũng được coi là một thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ cao và nghiêm ngặt nhất thế giới. Bên cạnh đó, hàng hóa cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn về điều kiện lao động với các yêu cầu cơ bản như không được sử dụng lao động trẻ em, không phân biệt đối xử, quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn lao động, môi trường làm việc…
Hiện nay, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn lao động là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc nhưng tiêu chuẩn Việt Nam chưa phù hợp với tiêu chuẩn của EU, gây khó khăn, cản trở hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.
Ông Chương khuyến nghị, thời gian tới Chính phủ cần kiên quyết đảm bảo hành lang pháp lý kinh doanh phù hợp, triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch phát triển vùng nguyên phụ liệu, tạo cơ sở hạ tầng cho các ngành có lợi thế phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, quan tâm đến đào tạo chất lượng lao động nghề và nhân lực trình độ cao…
Để góp phần thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ kế hoạch sửa đổi các dự án Luật liên quan, điển hình là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động 2012.
Hiện Bộ đã tiến hành soạn thảo dự thảo Báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động lấy ý kiến các địa phương, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các Hiệp hội của người sử dụng lao động, các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành ở Trung ương nhằm hoàn thiện nội dung thực hiện Nghị quyết 22 của Quốc hội.
Theo kế hoạch, tháng 1/2017, Bộ sẽ chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét quyết định trình dự án. Dự kiến, dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016.
Dự kiến, EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018.