VCCI - Nửa thế kỷ vì doanh nghiệp

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Ngày 29/4/1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua gần ba năm chuẩn bị, ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội. Và ngày 27/4/1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định phê chuẩn Điều lệ, chính thức khai sinh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trụ sở của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguồn: Báo Lao động
Trụ sở của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguồn: Báo Lao động
Chặng đường 30 năm đầu tiên, từ năm 1963 đến năm 1993, VCCI đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của cộng đồng DN và nền kinh tế, đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao chống âm mưu bao vây phong tỏa của kẻ thù, thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại với các nước, tham gia xây dựng những nền tảng ban đầu của thể chế kinh tế thị trường ở VN. Tuy nhiên, do điều kiện của chiến tranh và cơ chế kế hoạch hóa tập trung VCCI đã không có điều kiện phát huy hết vai trò của mình trong nền kinh tế. Từ năm 1993 đến nay, VCCI được nâng tầm về tổ chức và có chức năng hoàn chỉnh của một tổ chức Quốc gia đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng DN VN trong cả các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quan hệ lao động.

Những thành quả đạt được

VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình gần 11.000 hội viên trực tiếp và trên 100.000 hội viên gián tiếp đại diện cho các thành phần kinh tế. Hầu hết các tập đoàn, TCty nhà nước và tư nhân, các hiệp hội DN lớn đều là hội viên của VCCI.

VCCI đã đi đầu trong việc nghiên cứu và phổ biến Tư tưởng Hồ Chí Minh về DN và doanh nhân; cùng với các Hiệp hội DN đề xuất với Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân VN. VCCI đưa ra thông điệp “Doanh nhân - người lính thời bình” để cổ vũ và phát động tinh thần doanh nhân trong xã hội, đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Cúp Thánh Gióng”, “Cúp Bông hồng Vàng”, “Giải thưởng Trách nhiệm xã hội DN” và các giải thưởng có uy tín khác cho các doanh nhân. VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở VN thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư,  Nghị quyết Hội nghị V Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về kinh tế tư nhân và Nghị quyết của Bộ Chính trị số 07-NQ/TW "Về hội nhập kinh tế quốc tế" và các chủ trương chính sách quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, VCCI đã chủ động đề xuất và trực tiếp tham gia biên soạn đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” - văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về doanh nhân. Trong đó, đã khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân và các quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Để góp phần tạo ra động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, bên cạnh việc góp phần xây dựng và thực hiện Đề án cải cách hành chính của Chính phủ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các địa phương.

VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ khác về tình hình DN và kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở VN như: Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp DN, Diễn đàn kinh tế VN , Diễn đàn DN VN- VBF… Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công với sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

Trong lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ phát triển DN, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới các Hiệp hội DN và trung tâm hỗ trợ DNNVV trong cả nước. Chương trình đào tạo Khởi sự DN và nâng cao khả năng kinh doanh (SIYB) do VCCI phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện, các Chương trình đào tạo quản trị DN cấp cao phối hợp với INSEAD, với EuroCham, với Keidanren … là những chương trình đào tạo DN có uy tín hàng đầu ở VN.

Ngoài ra, VCCI đã chủ trì nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào VN. Các đoàn DN tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài và các “Diễn đàn DN”, “Ngày VN”, các cuộc đối thoại, tọa đàm… được VCCI tổ chức trong khuôn khổ các chuyến đi này là những hoạt động xúc tiến quan trọng ở tầm quốc gia, góp phần quảng bá đất nước, con người và nền kinh tế VN, mang lại hiệu quả thiết thực. VCCI cũng triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ các DN VN vượt qua các rào cản, thực hiện các biện pháp phòng vệ và giải quyết các tranh chấp trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các DN trong quá trình hội nhập.

Trong lĩnh vực xây dựng văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội của DN, VCCI cũng đã sớm thành lập Văn phòng Giới sử dụng lao động, Hội đồng Người sử dụng lao động VN, Trung tâm Văn hóa doanh nhân, Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững… và triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ DN trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.

Tính bình quân mỗi năm gần đây, VCCI đã trực tiếp tham gia soạn thảo và góp ý xây dựng 40 dự thảo văn bản pháp luật, tổ chức trên 300 hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách; tổ chức trên 1.000 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 60.000 lượt DN; tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình làm việc cho trên 300 đoàn với trên 12.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào VN; tổ chức gần 100 đoàn với trên 4.500 lượt DN VN ra nước ngoài khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; tổ chức gần 600 cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc DN với sự tham dự của trên 80.000 lượt DN; cung cấp thông tin trực tiếp khoảng 60.000 lượt DN; cấp trên 500.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) và các chứng từ thương mại khác… Đó là một khối lượng công việc đồ sộ so với quy mô tổ chức còn khiêm tốn và nguồn tài chính rất eo hẹp của VCCI.

Nhìn lại chặng đường phát triển 50 năm, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN. Để ghi nhận đóng góp này, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho VCCI Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, trên con đường đi chưa có tiền lệ, không có mô hình định sẵn, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế với nhiều điểm đặc thù như ở nước ta, VCCI đã không tránh khỏi những khuyết điểm và hạn chế. Còn nhiều điều chúng ta mong muốn nhưng chưa làm được. Tiếng nói của cộng đồng DN và hoạt động tham mưu chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước còn chưa đủ mạnh. Liên kết cộng đồng DN và vai trò các hiệp hội DN chưa cao. Một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư còn thiếu tính chuyên nghiệp. Chức năng đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các DN mới được triển khai và kết quả còn chưa tương xứng… Nói một cách tổng quát, so với yêu cầu của cộng đồng DN và nền kinh tế thì VCCI còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Và con đường phía trước

Nền kinh tế và cộng đồng DN đang bước vào một giai đoạn phát triển mới mà ở đó yêu cầu tái cấu trúc, hướng tới một cơ cấu hiện đại và bền vững trở thành vấn đề quan trọng sống còn. Và VCCI với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng DN có vai trò quan trọng hỗ trợ DN trong việc thực hiện những yêu cầu đó. Muốn làm được việc này, VCCI cần có trách nhiệm hơn và sắc sảo hơn trong hoạt động tham mưu chính sách để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm có một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch; Phải tận tâm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ doanh nhân, nhất là khu vực DNNVV; Phải nỗ lực hơn trong các sáng kiến liên kết DN, xây dựng mạng lưới các hiệp hội và cộng đồng DN, làm cho nền kinh tế VN không chỉ có các doanh nhân riêng lẻ mạnh mà có cả cộng đồng DN mạnh. Đó là những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI sẽ phải thực hiện để góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ DN, doanh nhân, bảo đảm hội nhập và cạnh tranh thắng lợi.

Lời tri ân

Nhân kỷ niệm 50 năm, thay mặt lãnh đạo VCCI, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho hoạt động của VCCI trong suốt những năm qua. Cảm ơn cộng đồng DN và các cơ quan, tổ chức đã đồng hành, sát cánh với VCCI. Cảm ơn các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đã bằng cả trái tim và tấm lòng chắt chiu, tận tụy trong những nỗ lực xây dựng VCCI.