Vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm: Khó xử lý... do đâu?

Theo Minh Nhật/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)” do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia khẳng định, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm đang có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm không dễ dàng do thiếu văn bản hướng dẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đang có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc trốn đóng bảo hiểm gây ra nhiều hệ lụy, khiến cho người lao động mất niềm tin, không muốn cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời dễ phát sinh tình trạng ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động, gây bất ổn xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Trần Văn Dũng cho biết, phổ biến là hành vi vi phạm của người sử dụng lao động khi thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm; dùng thủ đoạn gian dối để thụ hưởng trái phép các chế độ bảo hiểm, vi phạm trong quản lý và thực hiện bảo hiểm.

Thậm chí, “nhiều đơn vị có tên trong danh sách nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN nhưng khi xác minh phát hiện vẫn có trường hợp né tránh không tham gia bảo hiểm cho người lao động hoặc mức tham gia bảo hiểm thấp hơn quy định. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng lao động được cấp chế độ nghỉ dưỡng sức nhưng không chi trả cho người lao động hoặc chi sai mục đích” - Đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Thị Hồng Thắm dẫn chứng.

Mặc dù có không ít văn bản quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có lực lượng chuyên trách thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm bảo hiểm; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ còn thiếu, phần lớn trường hợp vi phạm do tổ chức bị xử phạt tự giác thực hiện.

Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá cũng khó áp dụng. Các ngân hàng thường ít phối hợp với cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính cũng đang gây ra những khó khăn nhất định cho lực lượng chức năng.

Vướng xử lý hình sự

Trước tình trạng vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Chí Công khẳng định, tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm đã thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội.

“Song đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết.

Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết trong các điều luật như gian lận BHXH, BHYT, BHTN; trốn đóng BHXH, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp dẫn tới việc áp dụng chưa đồng nhất. Bên cạnh đó, thiếu hướng dẫn cụ thể để xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội về bảo hiểm.

Thực tế đó đòi hỏi, cần sự phối hợp tích cực giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cùng BHXH Việt Nam, nhằm sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này.

Có ý kiến cho rằng, bên cạnh 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN thay vì viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự.