Vì sao các website thương mại điện tử lần lượt đóng cửa?
Các chuyên gia nhận định: Đầu tư lớn, hoạt động không hiệu quả, bị cắt vốn đầu tư… là những nguyên nhân chính khiến các website thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam lần lượt đóng cửa.
Năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn đã phải đóng cửa khi không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn. Trong đó, có thể kể đến Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn…
Tiếp đến đầu tháng 8/2016, website Lingo.vn cũng đột nhiên ngừng hoạt động mà không hề có bất kỳ thông báo nào. Website này được cho là đã đóng cửa sau khi không được nhà đầu tư tiếp tục rót vốn do trang web kinh doanh không hiệu quả.
Bên cạnh các trang TMĐT lần lượt đóng cửa kể trên, không ít các trang TMĐT trong nước đã bị các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Cụ thể, tháng 4/2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn thương mại điện tử này cho Central Group (Thái Lan). Tương tự, hãng TMĐT Trung Quốc Alibaba đã chính thức làm chủ sàn TMĐT Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD. Đầu tháng 12/2015, FoodPanda.vn cũng đã bị Vietnammm.com mua lại…
Trao đổi với báo chí về thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, nhiều trang TMĐT nhỏ và vừa phải đóng cửa trong thời gian qua là do không có đủ vốn để duy trì hoạt động, trong khi lĩnh vực này đòi hỏi nguồn tài chính phải dồi dào.
Không chỉ chịu sức ép từ các “ông lớn” ngành TMĐT nước ngoài khi hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hàn Quốc, Thái Lan… bởi sau khi vào Việt Nam cũng có ý định sớm mở các trang bán hàng trên mạng; các trang TMĐT nhỏ trong nước còn khó có cơ hội phát triển bởi bị sự cạnh tranh từ chính các “đại gia” trong nước như Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), GFG (Lazada, Zalora), tiki.vn…
Bên cạnh đó, việc Facebook mở tính năng mua sắm trực tuyến cũng là một trong những nguyên nhân chính làm các trang TMĐT trong nước mất dần lợi thế về lượng người dùng.
Trao đổi trên Báo Đầu tư, PGS-TS Nguyễn Văn Thoan – Phó ban Đào tạo, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Nếu chỉ cần vốn thì nhiều doanh nghiệp hùng mạnh đã đầu tư và thành công trong thương mại điện tử ngay từ những ngày đầu tiên.
Theo ông Thoan, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, ở đây là con người nắm được công nghệ, làm chủ được công nghệ mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong thương mại điện tử và rộng hơn là ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và kinh doanh.
Đồng quan điểm với ông Thoan, ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty cổ phần Công nghệ DKT nhận định, thiếu vốn có thể được xem là nguyên nhân chính, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc dừng hoạt động của các trang thương mại điện tử.
Theo ông Tuyến, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều start-up thương mại điện tử dừng hoạt động là việc chưa đánh giá chính xác số vốn cần bỏ ra để duy trì doanh nghiệp cho đến lúc có lãi, dẫn đến việc khởi nghiệp quá gấp rút khi chưa có đủ lượng vốn cần thiết.
Để khắc phục tình trạng này, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh online trong nước phải thay đổi nhận thức, bán hàng trên nhiều kênh, từ website, cửa hàng truyền thống, mạng xã hội, sàn TMĐT.
“Vấn đề quan trọng đối với TMĐT là chữ tín, thế nhưng hiệnviệc quảng cáo sản phẩm quá mức so với thực tế, kinh doanh không lành mạnh, việc giao hàng không như cam kết, chính sách đổi trả hàng chưa hoàn chỉnh… đã trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của TMĐT” –ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định.