Vì sao doanh nghiệp cần quản chặt chất lượng sản phẩm?

P.V

Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất là điều kiện rất cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Nâng cao hiệu quả kinh doanh, giành thị trường và khách hàng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là mục tiêu cơ bản đối với mỗi doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất là điều kiện rất cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp và tạo ra sức mạnh cạnh tranh.

Chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu một sản phẩm hoặc dịch vụ không tốt, chắc chắn sẽ không có người sử dụng, hoặc người tiêu dùng chỉ sử dụng một lần duy nhất.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự trung thành của khách hàng. Một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt sẽ khiến khách hàng quay trở lại mua và sử dụng.

Việc quản lý chất lượng sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ được các rủi ro ngay từ đầu; giúp hạn chế được các thiệt hại, đưa ra được các phương án giải quyết, loại trừ rủi ro trong tương lai.

Quản lý chất lượng sản phẩm tốt sẽ tạo ra được các sản phẩm tốt, khác phục được các tình trạng sửa chữa hoặc loại bỏ sản phẩm hỏng. Từ đó sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đồng thời tối ưu được chi phí trong quá trình sản xuất.

Một trong những quá trình cơ bản của quản lý chất lượng sản phẩm là hoạt động kiểm soát chất lượng. Đây là một nỗ lực không ngừng để duy trì chất lượng cũng như tính toàn vẹn của sản phẩm.

Theo ISO 9000:2015, kiểm soát chất lượng là một phần của quản lý chất lượng, tập trung vào việc thực hiện các yêu cầu chất lượng. "Nói nôm na, kiểm soát chất lượng chính là các hoạt động và kỹ thuật được sử dụng để duy trì chất lượng của sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm có kết quả như mong đợi", một chuyên gia về năng suất chất lượng chia sẻ.

Để thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng thì phải thực hiện đầy đủ các hoạt động bao gồm: kiểm tra, thử nghiệm và đo lường chất lượng xác minh rằng kết quả được mong đợi và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời phải đưa ra được các cơ hội cải tiến, đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng được sự mong đợi của người tiêu dùng. 

Kiểm soát chất lượng chỉ là một trong những phương thức quản lý chất lượng truyền thống. Hiện nay, có rất nhiều phương thức quản lý chất lượng hiện đại được doanh nghiệp áp dụng để quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp.

Trong đó có 2 phương thức được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rất cao là phương pháp kiểm soát chất lượng toàn diện (Total quality control - TQC) và phương pháp quản lý chất lượng toàn diện (Total quality management - TQM). 

Cả 2 phương thức này đều có điểm chung là huy động mọi nỗ lực, sự tham gia của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp vào hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.