Vì sao doanh nghiệp “chê” vốn vay ngân hàng?
Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến áp dụng mức trần lãi suất tối đa với khoản vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay đang khiến dư luận băn khoăn: Liệu mức trần này có áp dụng đối với mọi loại hình cho vay, kể cả vay tiêu dùng – vốn đang áp mức lãi suất khá cao so với hệ thống ngân hàng?
Doanh nghiệp (DN) cần tiền để phát triển sản xuất nhưng lại từ chối vay ngân hàng, thậm chí thà đi vay bên ngoài với lãi suất cao hơn, còn ngân hàng phải ngồi “ôm” nguồn tiền mà không tìm được khách hàng để giải ngân. Nghịch lý tưởng chừng như vô lý này vẫn đã và đang diễn ra.
Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chương trình kết nối ngân hàng – DN đã được triển khai với lãi suất cho vay được các ngân hàng đưa ra thấp hơn mặt bằng lãi suất chung 1,5%- 2%/năm. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn vốn này, nhiều DN cho biết họ không tiếp cận được.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 26/9, nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng vì thủ tục quá phức tạp.
Vướng tín chấp
Cho rằng chính sách hiện nay chưa thực sự đáp ứng được với ngân hàng, với doanh nghiệp, bà Từ Thị Bích Lộc, công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Anh, chia sẻ: “Vấn đề tín chấp đã được Nhà nước mở ra nhưng chính sách hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được với ngân hàng, với DN”.
“Thực sự hôm nay tôi không muốn đến họp vì hiện rất nhiều ngân hàng kết nối với tôi nhưng không có hiệu quả gì vì sự tín chấp đó vẫn phải thông qua báo cáo tài chính. Đối với DN đã nhỏ rồi, lại trong giai đoạn khó khăn này, thì báo cáo tài chính không thể đẹp được”, bà Lộc nói.
Vì thế, bà Lộc cho biết, dù DN bà làm hàng xuất khẩu, thậm chí Nữ hoàng Đan Mạch đã đến thăm công ty, nhưng cái uy tín đó không đảm bảo cho DN bà vay vốn một cách đàng hoàng ở ngân hàng bằng tín chấp. Trong khi đó, công ty có tài sản cố định, nhưng vì đất đai vướng này vướng nọ nên không thể thế chấp được.
Cùng chung khó khăn này, đại diện một DN chuyên sản xuất bu lông, ốc vít Hà Nội cho biết, hiện nay, ngân hàng thắt chặt nguồn vay vốn, yêu cầu DN phải thế chấp. Nhưng DN hiện có địa chỉ nhưng không có sổ đỏ, không có tài sản có giá trị để thế chấp ngân hàng, nên từ mấy năm nay không vay được ngân hàng.
“Hiện nay, DN chủ yếu là giao dịch tài chính qua ngân hàng chứ không giao dịch vay vốn. Và chúng tôi đã phải tìm tới nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lần”, vị đại diện này cho biết. Hay bà Phan Thị Thuận, công ty Dâu Tơ Tằm Mỹ Đức, chia sẻ là công ty sản xuất kinh doanh theo mô hình nhỏ, phụ thuộc hoàn toàn người nông dân, nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn, DN có nhà xưởng, sản xuất nhưng cũng không có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng vì không có chứng từ chứng minh cho tài sản thế chấp.
Muốn vay thì “làm đẹp báo cáo”
Dù quy định là vậy, nhưng bà Lộc cho biết thêm: Thủ tục là vậy, nhưng ngân hàng lại cử người đến với DN, bảo DN chúng tôi sửa báo cáo tài chính một tí thôi là có thể vay vốn. Tuy nhiên, đúng là chúng tôi cần vốn nhưng chúng tôi sẵn sàng từ chối, thà chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao hơn chứ không sửa báo cáo.
Theo bà Lộc, sửa báo cáo đó có tác dụng gì, tác dụng chỉ là ngân hàng giải quyết hợp pháp được khối tiền lớn của mình. Như vậy không phải là kết nối. Tín chấp phải đúng nghĩa là uy tín của DN chứ không phải chỉ để giải ngân. Vì vậy, chính sách nhà nước phải mở để ngân hàng làm được việc đó, và ngân hàng cũng phải có cán bộ có năng lực để đánh giá sự tín chấp của DN.
Ông Đào Đức Thuận, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, kiến nghị rằng Nhà nước cần có cơ chế thuận lợi để hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng, không chỉ thế chấp bằng đất, bằng tài sản mà cần đánh giá thẩm định tính khả thi của dự án.
Trong khi nhiều DN kêu khổ thì phía đại diện ngân hàng cũng cho rằng DN cần thông cảm cho ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), chia sẻ: “Hiện nay, các ngân hàng cần DN hơn bao giờ hết nhưng những vướng mắc liên quan đến cơ chế thì chúng tôi cũng cần được thông cảm vì xuất phát từ cơ chế chính sách của Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để giảm các thủ tục hành chính nhằm kết nối hiệu quả hơn với khách hàng”.
Còn theo ông Quách Hùng Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mục tiêu tín chấp như thế nhưng sự hỗ trợ cần phải thế nào, đó là nút thắt nên cần hoàn thiện. Cơ chế chính sách phải thông thoáng để đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa ngân hàng với DN, DN với ngân hàng.
“Đặc biệt, với thời đại hiện nay, ngân hàng không chỉ hỗ trợ DN về vốn, lãi suất mà còn hỗ trợ về tư vấn phương án công nghệ, phương án tài chính cho DN”, ông Hiệp nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội cũng kiến nghị rằng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét có cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng – DN, như tái cấp vốn, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn rẻ của các tổ chức tài chính quốc tế, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…