Vì sao ngân hàng "phớt lờ" cổ tức?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã quyết định không chia cổ tức cho cổ đông, giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho các nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Năm qua, lợi nhuận của nhiều nhà băng tăng đột biến, song do nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro cao, liên tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy nhiều nhà băng, trong đó có những ngân hàng nổi tiếng “sòng phẳng” chia với cổ tức của cổ đông cũng phải “thất hứa” trong năm nay.

Giữ lại lợi nhuận

Một số ngân hàng đã tổ chức thành công ĐHCĐ năm 2020, trong đó có một điểm chung là hầu hết không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Về cổ tức, mặc dù kết thúc năm 2019, VPBank vẫn còn lợi nhuận chưa phân phối là hơn 7.000 tỷ đồng, song lãnh đạo ngân hàng dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, mà trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn chủ sở hữu. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt 42.000 tỷ đồng, trong khoảng Top 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết đây là sự đánh đổi, bởi mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng, do ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục để đảm bảo thị phần và các chỉ số an toàn, nên không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm.

MSB cũng cho biết lợi nhuận của ngân hàng này để lại còn gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ tức sẽ được chia vào năm 2021 mà không phải trong năm nay.

Lý giải nguyên nhân, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho rằng nếu chia cổ tức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động, hơn nữa, năm 2020, MSB đặt mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Trong khi theo quy định của NHNN, ngân hàng chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC cũng chưa thể được chia cổ tức.

Trong năm nay, cổ đông của TPBank cũng chấp thuận phương án thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng theo phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%, dự kiến thực hiện trong quý III và quý IV/2020.

Ngoài ra, một số ngân hàng như OCB, ACB, HDBank… cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngay như "ông lớn" VietinBank cũng đề xuất phương án chia cổ tức để lại toàn bộ lợi nhuận (tương đương tỷ lệ chia 0%), bên cạnh việc trích quỹ dự phòng tài chính 10% vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%. Lợi nhuận còn lại sau khi phân phối là gần 6.042 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: “VietinBank có kế hoạch tăng vốn tự có từ nguồn lợi nhuận tích lũy và việc này đang được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để thực hiện”, ông Lê Đức Thọ nói.

HĐQT Vietinbank cho rằng nếu được giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2017-2019 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỉ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư, Vietinbank dự kiến tăng tổng tài sản 1-3%, huy động vốn tăng 5-10% và dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu

Thực tế là ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị 02/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là ngân hàng hoặc không chia, hoặc chia cổ tức thì chỉ bằng cổ phiếu.

Nội dung của Chỉ thị số 02 là đưa ra các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Theo các chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng, yêu cầu trên hoàn toàn hợp lý vì diễn biến dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng 2020, đặc biệt khi các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ.

Tuy nhiên, có thể thấy dù một số ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của NHNN để tập trung giảm lãi suất, các ngân hàng quay sang chia cổ tức bằng cổ phiếu, lên đến 30%.

Chẳng hạn, OCB đưa ra mục tiêu chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25-27% nhằm tăng vốn thêm 1.299 tỷ đồng. ACB trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu. HDBank dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng và chia cổ tức tổng tỷ lệ 65%...

Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu tăng vốn, các ngân hàng cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ACB cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng.

Trong khi đó, HDBank dự kiến sẽ phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note bằng USD, dự kiến huy động 1 tỷ USD và thời gian dự kiến phát hành là 2020-2024, doanh nghiệp ủy quyền cho Hội đồng Quản trị chọn thời điểm cụ thể.

Trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Ngoài ra, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, HDBank cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành tối đa 5.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá USD và/hoặc 10.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá VND. Tổng mệnh giá phát hành dự kiến tối đa 500 triệu USD hoặc 10.000 tỷ đồng.