Vì sao nhiều người e ngại dùng thẻ tín dụng?
Chỉ có khoảng 33% số người tham gia khảo sát cho biết đang dùng thẻ tín dụng và thấy tiện ích, số còn lại chưa có thẻ với nhiều lý do, trong đó không ít người mở thẻ xong rồi hủy, bỏ vì phải nộp phí, lãi suất cao...
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, chia sẻ ông đã mở thẻ tín dụng vài năm nay nhưng không sử dụng đến và chấp nhận đóng phí duy trì thẻ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Điều này cho thấy thẻ tín dụng vẫn như “con dao hai lưỡi” khiến nhiều người e ngại sử dụng.
Ồ ạt mở thẻ rồi lại đóng
Thị trường thẻ tín dụng đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà băng. Để gia tăng thị phần, các ngân hàng đều đưa ra chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng khiến người dùng dễ dàng có được loại thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau.
Những năm gần đây, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng, bởi thị trường rất tiềm năng, dân số trẻ chiếm tới 70%. Nhiều ngân hàng chọn gia tăng thị phần thẻ tín dụng là mảng kinh doanh cốt lõi.
Có thể thấy, các ngân hàng đang tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng. Thậm chí, các ngân hàng còn vào cuộc đua mở thẻ miễn phí và cấp hạn mức cao cho khách hàng chi tiêu tín chấp, với các điều kiện mở thẻ khá dễ dàng.
Nhân viên một số ngân hàng thương mại thừa nhận đang chạy chỉ tiêu mở thẻ tín dụng nên phải tìm kiếm khách hàng, thậm chí mời bạn bè, người quen mở thẻ để đạt doanh số.
Nghe giới thiệu dùng thẻ tín dụng với những chương trình giảm giá từ nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… đặc biệt lãi suất 0%, không ít người ngay lập tức đồng ý mở thẻ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, nhiều người phải vội vàng đóng thẻ.
Anh Mai Đình Đạt, nhân viên kinh doanh, chia sẻ có một người bạn làm nhân viên tín dụng tại Techcombank giãi bày đang thiếu định mức thẻ tín dụng quý I nên mời anh tham gia với những chương trình ưu đãi hấp dẫn như miễn phí mở thẻ, lãi suất 0%…, nên anh đồng ý. Hai tháng sau, thấy nhu cầu không dùng đến, lại đọc thấy điều khoản về lãi phạt, các loại phí cao, anh quyết định đến ngân hàng đóng thẻ.
Tương tự, nhiều người cho biết mở thẻ vì nghe quảng cáo được ưu đãi, giảm giá, hoàn tiền khi thanh toán nên ký hợp đồng mà quên để ý nhiều đến điều khoản sử dụng và cách sử dụng để tránh bị lãi phạt…
Một khảo sát được đưa ra tại Toạ đàm “Thị trường thẻ tín dụng – Cuộc đua giữa các ngân hàng và cơ hội cho người tiêu dùng” mới đây cho thấy, trong hơn 3.000 người được hỏi chỉ khoảng 33% cho biết đang dùng thẻ tín dụng và thấy tiện ích, số còn lại chưa có thẻ với nhiều lý do, trong đó không ít người mở thẻ xong rồi huỷ, bỏ vì phải nộp phí, lãi suất cao…
Chị Hà Thuỷ (Hà Nội) chia sẻ, vừa bị ngân hàng tính lãi phạt cao chót vót vì nợ 400.000 đồng sau kỳ thanh toán (tổng chi tiêu trong kỳ hơn 10,4 triệu đồng, đã thanh toán đúng hạn 10 triệu đồng).
“Do không tìm hiểu kỹ cách tính lãi phạt, tôi nghĩ chỉ phải thanh toán phần tiền nợ quá kỳ hạn, nhưng thực tế ngân hàng tính lãi phạt cho toàn bộ dư nợ chi tiêu trong kỳ”, chị Thuỷ chia sẻ.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, nhiều khách hàng gọi điện thắc mắc đã thanh toán số chẵn, chỉ nợ có 10.000 đồng quá hạn trong thẻ tín dụng, nhưng vẫn bị ngân hàng phạt đến hàng triệu đồng.
Ngân hàng hưởng lợi thế nào?
Giải thích lý do cất thẻ hai năm nay không sử dụng, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Vì đây là con dao hai lưỡi. Vô tình vào siêu thị quẹt nhiều, hoặc không kiểm soát được số tiền, thời gian trả nợ, người dùng sẽ đóng lãi phạt quá hạn rất cao”.
Theo ông Hiển, một nhân viên tín dụng khi mở thẻ cần lưu ý những vấn đề quan trọng cho khách hàng khi sử dụng thẻ. “Chất lượng của một nhân viên tín dụng phục vụ khách hàng tạo tin tưởng thì người khách sẽ sử dụng dịch vụ, mạnh dạn dùng dịch vụ của ngân hàng”, ông Hiển nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngân hàng quy định hai loại lãi suất, đó là trần lãi suất huy động dưới 6 tháng tối đa 5,5% và cho vay lãi suất ngắn hạn áp dụng 5 lĩnh vực ưu tiên có trần tối đa là 6,5%. Lãi suất còn lại là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Vậy, với mức lãi suất đang áp dụng cho thẻ tín dụng, khách hàng trả đúng hạn trong vòng 45 ngày sẽ được hưởng lãi suất 0%, ngân hàng hưởng lợi như thế nào?
Ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Viet Capital Bank, cho biết ngân hàng được phí từ đối tác thẻ quốc tế, gọi là phí hoán đổi. Bên cạnh đó, nếu hiểu được tiện ích thẻ tín dụng mang lại, khách hàng sẽ tăng cường mức độ sử dụng thanh toán. Từ đó, với mong muốn tiếp cận khách hàng từ sản phẩm đơn lẻ, khách hàng có thể trải nghiệm và gia tăng dịch vụ khác, đi cùng với ngân hàng dài hạn hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số của LienVietPostBank, cho biết thêm đó là đơn vị chấp nhận thẻ phải trả phí cho ngân hàng. Hiện tại, kênh phát hành thẻ phải trả 0,7 – 3%/giao dịch cho ngân hàng tuỳ theo loại thẻ nội địa hay quốc tế. Ngoài ra, ngân hàng còn thu được phí thường niên từ phát hành thẻ.
“Ngân hàng đặt POS, vô hình trung ngân hàng kéo lượng khách tới đó, quảng cáo cho đơn vị đó. Ví dụ với dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, được chiết khấu 5 – 10% nếu thanh toán thẻ tín dụng ngân hàng, thông báo đặt trên web ngân hàng, khách có thể biết được địa điểm nhà hàng, theo đó ngân hàng được chiết khấu từ địa điểm này”, ông Bình cho hay.