Vì sao xuất khẩu da giày tăng trưởng thấp?
Mức tăng trưởng xuất khẩu da giày Việt Nam từ đầu năm đến nay được cho là thấp, chưa như kỳ vọng trước những cơ hội giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều đáng để mổ xẻ là tuy các doanh nghiệp da giày trong nước chiếm đến 77% trong tổng số 800 công ty sản xuất da, giày dép và túi xách ở Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu, phần còn lại vẫn đang thuộc về thế “thượng phong” của khối ngoại.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành này ước đạt 7,94 tỷ USD, chỉ tăng xấp xỉ 7%. Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, trong khi ngành da giày hiện chiếm 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả nước.
Cùng với dệt may, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) trong ngành da giày đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu đơn hàng. Một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia…
Khối nội vẫn chưa mạnh
Việt Nam hiện nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá (chỉ sau Trung Quốc và Italia). Tuy nhiên, vấn đề đáng băn khoăn hiện nay là phần lớn kim ngạch xuất khẩu lại do các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nắm giữ.
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết hiện có khoảng 800 công ty sản xuất da, giày dép và túi xách được phân bố chủ yếu tại khu vực phía Nam (Bình Dương, Tp.HCM, Đồng Nai).
Điều đáng nói, theo bà Hà, DN FDI tuy chỉ chiếm 23% trong tổng số DN da giày nhưng đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, còn DN trong nước chiếm 77% nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch xuất khẩu.
Mặt khác, DN nội trong ngành này phần lớn đều làm hàng gia công, nguyên phụ liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Những mặt hàng chính như da thuộc, giả da vẫn có tỷ lệ nội địa thấp. Da thuộc, giả da hiện mới chỉ đáp ứng được 30%, nguyên liệu vải 70%, đến 60%…nên chưa chiếm được giá trị cao.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất nội địa mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Sản phẩm giày dép Việt tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp.
Thực tế, thị trường này lại đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhất là theo thống kê, các sản phẩm giày dép ngoại đang chiếm tới 50-60% thị phần.
Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết thêm, với các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp của Việt Nam sản xuất hiện đã có nhưng ít và vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Đó là chưa kể các sản phẩm của các DN nội ngay khi rời xưởng ra thị trường đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Vì vậy, những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa.
Thiếu sản phẩm giá trị cao
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp xóa bỏ mức thuế xuất khẩu hiện tại từ 3,5 – 57,4% về 0% trong thời gian tới.
Nếu muốn tận dụng được cơ hội giảm thuế này, các DN da giày Việt phải phát triển được các chuỗi liên kết nội địa, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn thay cho việc chỉ làm gia công thuần túy.
Giới chuyên gia lưu ý, khi DN muốn hưởng lợi từ việc tham gia TPP, tất cả những nguyên phụ liệu đều phải sản xuất trong nước hoặc trong khối. Do vậy, DN FDI có tiềm lực mạnh mẽ sẽ đầu tư những nhà máy lớn tại Việt Nam để hưởng lợi thế TPP và đầu tư từ khâu sản xuất đến cả khâu cung cấp nguyên phụ liệu. Vì thế, TPP sẽ đặt ra nhiều thách thức cho DN da giày trong nước.
Khi ký kết FTA với EU, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa. Muốn xuất khẩu sang EU, các DN Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.
Điều này sẽ khiến cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.
Ngay trong năm 2015, thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam đã dựng một loạt hàng rào phi thuế quan như: Thay đổi đạo luật REACH, tiêu chuẩn về formaldehyde và azo cho sản phẩm da thuộc của EU, yêu cầu về trách nhiệm xã hội… Hàng rào phi thuế quan này sẽ tiếp tục gây khó cho các DN.
Mặt khác, với ngành da giày, DN phần lớn đều làm hàng gia công, nguyên phụ liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Những mặt hàng chính như da thuộc, giả da vẫn có tỷ lệ nội địa thấp. Da thuộc, giả da hiện mới chỉ đáp ứng được 30%, nguyên liệu vải 70%, đến 60%… nên chưa chiếm được giá trị cao.
Nói như lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ, việc điều chỉnh lại Quy hoạch ngành da giày là điều cần thiết trong lúc này nhằm phù hợp với với nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành. Phải hình thành một mạng lưới công nghiệp da giày trên phạm vi cả nước cũng như phân bố hợp lý hơn về năng lực sản xuất da giày giữa các khu vực trong nước.