Vị thế của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu thay đổi ra sao sau 20 năm gia nhập WTO?
Với nguồn nhân lực chi phí thấp, Trung Quốc đã không ngừng tăng được xuất khẩu bằng việc đảm nhiệm vai trò của công xưởng thế giới tính từ khi gia nhập WTO vào tháng 12/2001.
Trong vòng 20 năm kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại thương của Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 9 lần, vượt lên Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu thế giới của nhiều nước, tuy nhiên cho đến nay, chưa có nhiều bước tiến trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Theo Nikkei, với nguồn nhân lực chi phí thấp, Trung Quốc đã không ngừng tăng được xuất khẩu bằng việc đảm nhiệm vai trò của công xưởng thế giới tính từ khi gia nhập WTO vào tháng 12/2001. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cả nhập khẩu bằng cách giảm dần thuế quan.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 870% còn nhập khẩu tăng 740% trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2020, theo UNCTD. Tổng giá trị thương mại tăng 810%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 180% của tổng thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc không có nhiều bước tiến liên quan đến các vấn đề trợ cấp nội địa và các đối xử với doanh nghiệp nhà nước nhiều khả năng sẽ trở thành cản trợ với Trung Quốc trong việc theo đuổi tham vọng gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói đến bước tiến mới của Trung Quốc trong tự do hóa thương mại trong bài phát biểu vào ngày thứ Năm tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải.
“Trung Quốc đã thực hiện đầy đủ những cam kết khi gia nhập WTO. Tỷ lệ thuế quan nói chung của Trung Quốc đã được giảm từ 15,3% xuống còn 7,4%, thấp hơn ngưỡng cam kết 9,8% khi gia nhập WTO”, ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Ngay sau khi gia nhập WTO, các sản phẩm thâm dụng lao động ví như quần áo đã chiếm tỷ lệ lớn trong xuất khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao ví như máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 13% thương mại toàn cầu, tăng 4% so với năm 2002, cao hơn Mỹ từ năm 2013. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước trong đó có Nhật.
Khi mà nước Mỹ đang ngại ngần không muốn gia nhập các thỏa thuận thương mại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do sự phản đối tại nội địa dâng cao, Trung Quốc đã không ngừng cố gắng gia nhập các thỏa thuận này.
Trung Quốc hiện đang là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định này đã được hoàn tất sau khoảng thời gian 8 năm đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2022.
Vào tháng 9/2021, Bắc Kinh đã nộp hồ sơ gia nhập CPTPP, hiệp định này yêu càu về mức độ tự do hóa thị trường cao hơn so với RCEP.
Bằng việc gia nhập nhiều thỏa thuận thương mại, Trung Quốc muốn định vị vị trí của mình tốt hơn so với các đối thủ trong cuộc cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ.
“Trung Quốc sẽ có thái độ chủ động và cởi mở trong các cuộc đàm phán liên quan đến các vấn đề như kinh tế số, thương mại và môi trường, trợ cấp cho các ngành và doanh nghiệp nhà nước”, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này thể hiện cho việc Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng các đòi hỏi của CPTPP.
Tuy nhiên hiện chưa rõ Trung Quốc có quyết tâm làm điều này hay không. Cộng đồng quốc tế hiện đã bàn luận rất nhiều về việc Trung Quốc có đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước, vốn bị cấm theo CPTPP và được coi như yếu tố “hủy diệt” thương mại tự do.