Vi phạm về phòng, chống rửa tiền trong giao dịch, ngân hàng sẽ bị xử phạt?

PV.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, các ngân hàng nếu vi phạm các quy định về phòng chống, rửa tiền trong giao dịch như: giao dịch liên quan đến công nghệ mới, giao dịch đáng ngờ, trì hoãn giao dịch… đều sẽ bị xử phạt.

Mức phạt vi phạm hành chính về quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới trong phòng, chống rửa tiền được quy định cụ thể tại Điều 40 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền: Đối tượng báo cáo phải ban hành quy trình nhằm phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng công nghệ mới vào việc rửa tiền; Quản lý rủi ro về rửa tiền khi thiết lập giao dịch với khách hàng sử dụng công nghệ mới và không gặp mặt trực tiếp. Quy trình quy định quản lý rủi ro phải bảo đảm việc cập nhật thông tin khách hàng có hiệu quả như việc cập nhật thông tin khách hàng gặp mặt trực tiếp.

Bên cạnh mức phạt vi phạm hành chính về quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới, ngân hàng không kịp thời báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.

Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn quy định. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ; Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Đối với hành vi vi phạm quy định về trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, Điều 45 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo việc trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; Không báo cáo việc thực hiện phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền; Không phong tỏa tài khoản, không áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền.