Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa từ các chuỗi giá trị toàn cầu

Theo nhaquanly.vn

Tham gia vào các hoạt động đem lại giá trị cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên tầm cao mới trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đó là ý kiến của Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ôtô xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp ở công đoạn sản suất cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tạo ra các sản phẩm “made in Vietnam”.

Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho họ kết nối với các doanh nghiệp FDI và vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định “Việt Nam đã hội nhập thành công vào một số chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để vươn lên và nâng cao giá trị gia tăng của mình bằng những cải cách và sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục hải quan và hội nhập khu vực.”

Để thực hiện được mục tiêu của mình, Việt Nam cần phải cải thiện sự phối hợp giữa các bộ  ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Theo Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu đó, cần phải có một loạt sáng kiến cải cách toàn diện như:

Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong việc phát triển các hành lang giao thông; Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; Thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.

Nhìn chung, để có được chương trình kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cần phải có tinh thần chủ động và cam kết cao trong chính sách, được bổ sung bằng cơ chế thể chế và quản trị tốt. Bên cạnh đó là chiến lược được xây dựng dựa trên bằng chứng để thúc đẩy các chương trình kết nối, cơ sở dữ liệu tốt về các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, các chương trình phát triển nhà cung cấp dựa trên nhu cầu.