Việt Nam đạt được "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

PV.

Sáng ngày 28/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng tham dự Hội nghị. Hội nghị diễn ra trong 02 ngày 28 và 29/12.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Nguồn: baochinhphu.vn
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Nguồn: baochinhphu.vn

Vượt qua thử thách, khó khăn trở thành quốc gia duy trì được tăng trưởng dương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, Hội nghị Chính phủ với các địa phương không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn cả 4 năm trước đó của nhiệm kỳ. Nhìn lại cả chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016–2020, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 02 ngày 28 và 29/12.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 02 ngày 28 và 29/12.

Trong suốt hành trình 5 năm, Chính phủ đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, những góp ý thẳng thắn, cụ thể của các đại biểu Quốc hội, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan tư pháp; sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong huy động, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Năm 2020, với tác động của Covid-19, tác động của thiên tai... Việt Nam vẫn vượt qua thử thách, khó khăn trở thành quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ, công chức và nhân dân. "Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Song song với thành công về phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Chính phủ đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội...

Chung tay vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Phân tích rõ hơn một số vấn đề đặt ra của đất nước ta trong những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng.

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021, Chính phủ đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực  hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực  phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái “bình thường mới” với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa…

Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế và đất nước Việt Nam đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra và chắc chắn rằng dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra.

"Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả bước đầu và không được chủ quan bởi chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế. Bên cạnh việc đầu tư những dự án lớn quốc gia, không được bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi... Cả hệ thống chính trị sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó mọi tầng lớp nhân dân bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác… đều chung tay góp sức, chia sẽ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Nguồn: baochinhphu.vn

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới.

Để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác.

"Đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.