Việt Nam đặt mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp đến kinh doanh và thành công và trở thành quốc gia số.
Mục tiêu 2025 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số
Ngày 24/8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề “Việt Nam Số hóa – Con đường đến tương lai”.
Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Anh Tú, phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ sẽ là lựa chọn của chính phủ. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Mục tiêu của chính phủ đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP, tức sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp đến kinh doanh và thành công. Việt Nam cũng sẽ trở thành quốc gia số, ông Tú chia sẻ tham vọng của chính phủ.
Thời gian này, Việt Nam đang chống chọi với thách thức của đại dịch COVID-19 và hiện đang sống trong một thế giới “không chắc chắn”. Ông Tú dự báo, chuyển đổi số, công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là giải pháp quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế. Việt Nam sẽ vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19 và trở lại trạng thái bình thường mới.
Còn theo ông Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của WB, về lâu dài, nền kinh tế cần nâng cao hiệu suất, để làm được điều đó, cần phải phát triển nền tảng công nghệ.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành công xưởng của kinh tế số. 4 trụ cột của kinh tế số Việt Nam có thể tóm gọn trong một chữ viết tắt (CHIP).
C (Kết nối): Về kết nối, Việt Nam có thứ hạng tương đối tốt, Việt Nam kết nối tốt vì phần lớn người dân đều được tiếp cận các công cụ số, tiếp cận Internet. Tuy nhiên chất lượng hạ tầng không đảm bảo về tốc độ.
H (Làm chủ): Cần phải có kỹ năng số, khung pháp lý quy định hoạt động trong kinh tế số
I (Đổi mới): Với chỉ tiêu đổi mới sáng tạo: Việt Nam đứng ở giữa trong các quốc gia được so sánh.
P (Bảo vệ): Trong vấn đề bảo vệ, Việt Nam được đánh giá cao, nhưng tính tiếp cận liên thông của dữ liệu, Việt Nam chưa được tốt.
Việt Nam phải mất 25 năm nữa mới bằng Thái Lan hiện nay về kỹ năng số
WB so sánh Việt Nam với 12 quốc gia chia làm 2 nhóm với nhóm thứ nhất là các quốc gia tương đương bao gồm các nền kinh tế thu nhập trung bình và có hiện trạng chuyển đổi số tương đương như Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Thái Lan hay Philippines. Việt Nam đồng thời cũng cần phải được so sánh với các quốc gia phát triển hơn mà Việt Nam đang muốn hướng tới như Singapore hay Hàn Quốc.
Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là hạ tầng cần phải được bảo trì, nâng cao liên tục. Việt Nam đã làm tốt và sẽ làm tốt vấn đề này nhưng cần phải cải thiện nhiều hơn nữa, cần phải nâng cấp về kỹ năng số cho người dân.
"Việt Nam phải mất 25 năm nữa mới bằng Thái Lan hiện nay về kỹ năng số. Nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ để mất đi việc làm. Tuy nhiên cũng có những khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngại chi tiền cho các chương trình đào tạo kỹ năng số bởi lo ngại mất nhân sự sau khi họ được đào tạo", ông Morriset phân tích.
Theo đó, chuyên gia kinh tế trưởng của WB đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất, chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số mới để tăng cường khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và nhân tài tham gia vào thị trường. Tuy nhiên họ lại gặp khó khi muốn có vốn bởi rất khó vay từ ngân hàng nếu không có tài sản đảm bảo.
Thứ hai, chính phủ cần can thiệp nhiều hơn, cho phép tiếp cận thông tin. Trong năm 2020, Việt Nam chia sẻ mọi thông tin liên quan đến COVID, điều này góp phần quan trọng mang lại thành công trong đại dịch.
Thứ ba, tăng cường các khung pháp lý nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng. Không chỉ chính phủ mà cả doanh nghiệp, tư nhân cũng được thu thập thông tin, tuy nhiên cần phải quản lý tốt các thông tin đó để đảm bảo thông tin chính xác và tin tưởng được.