Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Nhật Bản

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” là chủ đề chính trong sự kiện xúc tiến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, do Bộ Tài chính tổ chức tại Nhật Bản ngày 25/4.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng (ngoài cùng bên trái) cùng Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến công tác của Bộ trưởng tháng 3/2014. Nguồn: internet
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng (ngoài cùng bên trái) cùng Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến công tác của Bộ trưởng tháng 3/2014. Nguồn: internet

Sự kiện này là một bước cụ thể hóa mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác giữa thị trường vốn hai nước, được đưa ra trong lần gặp mặt giữa các Bộ trưởng Tài chính hai nước hồi tháng 3 vừa qua. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã có cuộc trao đổi về sự kiện này.

Phóng viên: Xin ông cho biết lý do chọn thời điểm tháng 4 tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản?

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng: Sau chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo cấp cao Nhà nước hồi tháng 3 vừa qua, đặc biệt chuyến viếng thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và gần đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trở nên gần gũi và được thắt chặt hơn, trên tinh thần hợp tác, vì sự phát triển bền vững và dài hạn của hai nền kinh tế. Đây là điểm thuận lợi đầu tiên khi chúng tôi tính đến việc thực hiện sự kiện xúc tiến đầu tư gián tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mở cửa đến nay, chúng ta đã đón nhiều nhà đầu tư tài chính Nhật Bản vào Việt Nam và các nhà đầu tư này tỏ ra rất quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong năm 2014. Sở dĩ, họ có sự quan tâm đến Việt Nam lúc này là bởi thực tế, nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta đang ngày càng được cải thiện, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán và sự phát triển vượt trội của TTCK kể từ đầu năm đến nay tạo nên một tín hiệu tốt với các nhà đầu tư quốc tế.

Cùng với đó, quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam khi Chính phủ đặt ra lộ trình từ nay đến hết năm 2015 phải cổ phần hóa 432 DNNN, cũng mở ra những cơ hội mới, hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Với những lý do trên, tôi cho rằng, tháng 4 là thời điểm thuận lợi để tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản của Bộ Tài chính Việt Nam.

Được biết, với sự dẫn đầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản lần này có sự tham gia của khá nhiều DN Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với DN Việt Nam, thưa ông?

Thực tế, Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản lần này có sự tham gia của khá đa dạng thành phần DN. Đó là các DN đang chuẩn bị cổ phần hóa (Vietnam Ailines, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Vinalines, Licogi…); các DN đã niêm yết cổ phiếu (Công ty cổ phần - CTCP Đất Xanh, Tổng công ty Khí Việt Nam …) và các DN trong ngành tài chính tại Việt Nam (CTCK Sài Gòn, CTCK Bảo Việt, CTCK HSC, MBS, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, Công ty Quản lý quỹ SSIAM…). Đây là các DN có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược, mở rộng không gian kinh doanh, nên việc tham gia Đoàn công tác của Bộ trưởng lần này là cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật Bản.

Về phía nhà đầu tư Nhật Bản, chúng tôi mời gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư đã từng đầu tư vào DN Việt Nam, các nhà đầu tư đã có quan hệ đối tác với DN Việt Nam và những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, sự kiện này sẽ giúp bên cung vốn và cần vốn tìm được nhau, để xúc tiến các mối quan hệ hợp tác về dài hạn.

Mong muốn lớn nhất của cơ quan quản lý khi tổ chức sự kiện kết nối đầu tư tháng 4 là gì, thưa ông?

Sự kiện này có ba mục tiêu chính. Thứ nhất, khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, minh bạch và cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, sự kiện cũng là cơ hội để chúng tôi lắng nghe nhà đầu tư Nhật Bản và làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình đầu tư tại Việt Nam của họ, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các dòng vốn đầu tư gián tiếp, trong đó có vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Mục tiêu tiếp theo, như tôi đã chia sẻ ở trên, với sự tham gia của nhiều DN Việt Nam trong Đoàn, chúng tôi mong muốn sẽ tạo cầu nối giúp các DN tiếp cận được với nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật Bản, để thực hiện những bước cải cách lớn tại DN, như cổ phần hóa, tăng vốn, tìm nhà đầu tư chiến lược…

Vì các mục tiêu trên, chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản lần này có 2 không gian chính. Một là đối thoại chính sách, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính và hai là kết nối cung cầu vốn đầu tư, là không gian để các DN Việt Nam thảo luận, trao đổi trực tiếp với các tổ chức đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh sự thuận lợi về quan hệ ngoại giao cấp cao, có yếu tố gì riêng của con người Nhật Bản, khiến chúng ta mong muốn kết nối các DN Việt Nam tìm vốn đầu tư tại Nhật Bản, thưa ông?

Thực tế, vốn đầu tư Nhật Bản đã hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu, qua hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, rất nhiều DN Việt Nam đã có phát triển vượt bậc khi nhận được sự đầu tư từ dòng vốn này. Với vị thế là nền kinh tế có sự phát triển đứng thứ 2 thế giới, hoạt động đầu tư của Nhật Bản không chỉ là rót vốn đơn thuần, mà ở đó còn là sự hỗ trợ về công nghệ, về tri thức cho các DN được đầu tư.

Bên cạnh đó, với tố chất đáng quý của người Nhật như sự thông minh, cẩn trọng, coi trọng chữ Tín và định hướng đầu tư dài hạn, cũng là những yếu tố quan trọng khiến chúng tôi mong muốn kết nối dòng vốn Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn, mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Gần 100 nhà đầu tư Nhật Bản sẽ dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam

Đến thời điểm 23/4/2014, có gần 100 nhà đầu tư Nhật Bản, đến từ nhiều tổ chức đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng, các hiệp hội… xác nhận sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì. Một số nhà đầu tư đã quen thuộc với Việt Nam khi họ là đối tác, cổ đông lớn của các DN Việt. Một số khác là những nhà đầu tư mới, tham dự Hội thảo với mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trên TTCK và đầu tư vào các DNNN sắp cổ phần hóa tại Việt Nam.

SBI Holding, Sumitomo Mitsui, Daiwa Securities, Knowledge Company, Mizuho Bank, Recof Corporation, Intocho Corporation, Mitsubishi Corporation, Resona Banks, HSBC Securities, Development Bank of Japan, Aizawa Securities… là tên của một số tổ chức tại Nhật Bản, đã xác nhận tham dự sự kiện xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Vietnam Airlines muốn tìm nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines (một trong nhiều tổng công ty tham gia Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản) cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu sẽ IPO trong tháng 9/2014, nên mong muốn lớn nhất của Tập đoàn hiện nay là tìm được nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO.

Theo ông Thanh, Vietnam Airlines sẽ nỗ lực tối đa để tìm nhà đầu tư chiến lược là các hãng hàng không lớn nước ngoài, để mở rộng không gian hoạt động. Trường hợp từ nay đến tháng 9 chưa tìm ra nhà đầu tư chiến lược như ý, Tập đoàn vẫn dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng.

SSIAM muốn mở rộng cơ hội hợp tác tại Nhật Bản

Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSIAM, bà Lê Lệ Hằng cho biết, tham gia Đoàn công tác tại Nhật Bản lần này, SSIAM mong muốn hỗ trợ Đoàn công tác và các DN sắp cổ phần hóa tiếp xúc nhiều hơn với nhà đầu tư tiềm năng, để tìm kiếm cơ hội hợp tác về dài hạn.

SSIAM cũng như Công ty mẹ SSI, luôn có mong muốn hiểu hơn về khách hàng Nhật Bản và tìm kiếm các cơ hội để hợp tác sâu hơn với người Nhật, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị cho Công ty. Hiện SSI đang phục vụ hàng nghìn khách hàng Nhật Bản đầu tư vào TTCK Việt Nam và có một cổ đông chiến lược Nhật Bản là Daiwa Securities Group Inc đã song hành cùng SSI nhiều năm qua.