Việt Nam không dừng cải cách dù thiếu TPP
Giới doanh nghiệp quốc tế và các chuyên gia cho rằng thời cơ phát triển và các hiệp định thương mại song phương sẽ là động lực để Việt Nam tiếp tục cải cách, dù TPP có được đưa vào thực thi hay không.
Những kỳ vọng về cải cách kinh tế tại Việt Nam trở thành quan điểm bao trùm tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016, diễn ra ngày 8/12.
Lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, hội nghị đã dành riêng một phiên để thảo luận về quan điểm bảo hộ thị trường nội địa trong bối cảnh chủ nghĩa này đang nổi lên tại các nước lớn, nhất là sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ; cũng như sự ảnh hưởng tới Việt Nam nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ.
Thảo luận về những mối đe dọa này, ông Phạm Văn Thinh (CEO Deloitte Việt Nam) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên xét về số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi TPP không nhiều. Không có TPP, Việt Nam sẽ “kiếm” thỏa thuận song phương, đa phương khác thay thế.
"Việt Nam đã cam kết cải cách và nếu không có TPP thì có tiếp tục cải cách không? Tất nhiên, quá trình đó sẽ không dừng lại. Đó là nhu cầu nội tại của chúng tôi. Chúng tôi phải cải cách nền kinh tế và doanh nghiệp nhà nước”, ông Thịnh nói.
Chia sẻ với VnExpress về lo lắng chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại, ông Phạm Văn Thinh cho rằng điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, song còn phụ thuộc chuyện tân Tổng thống Mỹ - Donald Trump có thực hiện đúng những gì đã cam kết trong chiến dịch tranh cử hay không. “Kinh nghiệm là các ứng cử viên không phải lúc nào cũng thực hiện hết những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình”, ông Thịnh bình luận.
Ông Axel Pannes - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tập đoàn BMW cũng cho rằng không nên quá lo lắng về chủ nghĩa bảo hộ. Theo vị này, trong bối cảnh Mỹ đã liên kết với nhiều nền kinh tế toàn cầu thì chuyện bảo hộ không còn là cách thức phù hợp.
Còn ông Roger Lee - Chủ tịch Tập đoàn TAL Apparel dẫn ví dụ, những nhà máy tại Boston và nhiều bang khác tại Mỹ chỉ có 1.000 nhân công nhưng có tới 20 quốc tịch khác nhau. Hay như tại Connecticut, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng không quan tâm đến vấn đề thương hiệu, họ không cần “Made in USA” trên sản phẩm của mình.
“TPP không phải là quá cần và liệu có phải là “cú giáng” của Việt Nam nếu nó không được thông qua không? Hiện không có TPP thì Việt Nam đã có đủ sức cạnh tranh rồi”, ông Lee nhận xét.
Tỏ ra tiếc nuối khi TPP không chỉ là hiệp định về thương mại tự do mà còn mang lại những cam kết cải tổ, song Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình vẫn lạc quan cho rằng dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phát triển, mở cửa, tự do thương mại… “Đây là xu thế và là cuộc chơi không ai có thể dừng lại, chúng tôi cũng vậy”, Chủ tịch FPT nói.
Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho rằng việc TPP không được thực thi sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng sự ảnh hưởng đó là không nhiều. “Thị trường bất động sản Việt Nam hội nhập quốc tế chưa phải sâu rộng vì thế mức độ ảnh hưởng đó là không nhiều. Riêng với lĩnh vực bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng thì không ảnh hưởng”, ông Quyết tự tin.
Cách mạng lần thứ 4 là cơ hội Việt Nam "thành Ấn Độ thứ 2"
Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ dùng điện thoại di động cao bậc nhất. Theo báo cáo của Opera Mediaworks, Việt Nam là một trong 4 “cường quốc” trong việc sử dụng smartphone ở châu Á. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4 trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Chủ tịch FPT, cuộc cách mạng lần thứ 4 đang mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để “phát triển thành một Ấn Độ mới trong tương lai trong lĩnh vực công nghệ”.
Ông Bình phân tích: Việt Nam đang có nhiều lợi thế tương tự Ấn Độ thời gian trước đây khi phát triển thành quốc gia gia công phần mềm, như lợi thế dân số vàng, người trẻ đam mê Internet… như trường hợp của “cha đẻ” Angry Bird – Nguyễn Hà Đông đã rất thành công với những sản phẩm công nghệ trí tuệ là một dẫn chứng điển hình. “Dân số trẻ, yêu thích công nghệ là yếu tố hàng đầu sẽ giúp Việt Nam thâm nhập sâu vào cuộc cách mạng thứ 4”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Tuy nhiên, muốn trở thành “Ấn Độ thứ 2”, ông Bình cũng chỉ ra thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, đó là giáo dục. Với nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin khoảng 500.000 người, con số này phải tăng lên 1 triệu vào 5 năm tới mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghệ.