Việt Nam là nơi trú ẩn lý tưởng cho nhà đầu tư ngoại giữa thương chiến Mỹ - Trung
Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty nhờ vào chi phí hoạt động thấp...
Theo nhận định của Công ty chứng khoán VNDirect, chiến tranh thương mại đã đẩy mạnh xu thế dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong năm 2019, minh chứng bởi dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng của năm 2019.
Bên cạnh đó, chiến lược “Trung Quốc +1” với mục tiêu mở rộng hoạt động các nhà máy Trung Quốc sang các quốc gia khác nhằm đa dạng hóa rủi ro và giảm chi phí nhân công cũng thúc đẩy sự dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang ASEAN. Đây là cơ hội lớn cho các công ty vận hành khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI trong vài năm tiếp theo.
So với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút vốn FDI, Việt Nam vẫn là quốc gia tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào chi phí hoạt động thấp.
Dù giá thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh trong năm 2019 nhưng với mức giá 103,5 USD/m2 /kỳ thuê vẫn là mức thấp thứ hai trong các quốc gia trong khu vực, chỉ cao hơn giá thuê đất tại Myanmar.
Tại Việt Nam, lương công nhân chỉ bằng một nửa so với Thái Lan và Malaysia. Chỉ có Indonesia có mức giá điện thấp hơn so với Việt Nam, trong khi Việt Nam có chi phí xây dựng nhà xưởng thấp nhất so với Malaysia và Indonesia.
Bên cạnh chi phí hoạt động thấp, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% xuống mức 20% vào năm 2016 cho tất cả các công ty trong nước và nước ngoài để tăng cường thu hút sản xuất.
Ngoài ra, các công ty tại các khu công nghiệp còn được hưởng các ưu đãi khác như miễn/giảm thuế và miễn thị thực. Các ưu đãi thuế phổ biến dành cho các công ty ở các khu công nghiệp bao gồm miễn thuế trong 2 đến 4 năm, giảm thuế trong 3 đến 15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Bên cạnh lợi thế về chi phí hoạt động, VNDirect cho rằng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ thu hút thêm dòng vốn, đặc biệt là EVFTA mở thêm cánh cửa cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
Vào thời điểm tháng 10/2019, đã có 12 FTA có hiệu lực và FTA với liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký vào 30/06/2019. EVFTA đang trong quy trình chấp thuận nội bộ tại châu Âu và Việt Nam trước khi chính thức có hiệu lực.
Việt Nam đang tăng cường sử dụng lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu có áp dụng ưu đãi thuế quan FTA trong năm 2018 đạt 46,2 triệu USD, tương đương với 39% tổng giá trị xuất khẩu đến các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam.
Thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến liên minh Châu Âu sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc trong thời gian ngắn sau đó (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đã đạt được trong số các FTA đã ký kết.
Hiện nay, chỉ 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam tới liên minh châu Âu được hưởng mức thuế 0% thông qua biểu thuế ưu đãi toàn cầu (GSP). Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính rằng EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030.
Tổng giá trị xuất khẩu tới liên minh Châu Âu ước tính sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030. VNDirect cho rằng hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất tới Việt Nam, giúp duy trì luồng vốn FDI tới trong các năm tới.
Bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông trong 2 năm vừa qua, các dự án FDI cũng tạo sự lưu ý của chính phủ về vấn đề môi trường và đòi hỏi các quy định pháp luật phải thắt chặt hơn về vấn đề này.
Từ năm 2020, các dự án FDI sẽ đối diện với các quy chuẩn môi trường khắt khe hơn so với hiện tại. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 50-NQ/TW vào tháng 8/2019, theo đó từ chối cấp phép cho các dự án sử dụng các công nghệ cũ và gây hại môi trường.
VNDirect đánh giá nghị quyết này sẽ tăng thời gian xem xét chấp thuận các dự án FDI cũng như khiến một số nhà đầu tư thay đổi quan điểm đầu tư vào Việt Nam, khiến dòng vốn FDI chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, chất lượng dòng vốn FDI sẽ dần được nâng cao hơn, hướng đến công nghệ cao và sản xuất “xanh”.