Kết nối và hợp tác tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới
Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra không ít thách thức đối với kết nối và hợp tác tài chính của các bên tham gia. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đáp ứng với các yêu cầu hội nhập và điều hành chính sách ổn định vĩ mô hiệu quả.
Các cam kết tài chính trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
So với Hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, FTA thế hệ mới có 4 đặc trưng cơ bản sau: (1) Mức độ cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà không có loại trừ; (2) Mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm thuế gần như về 0% mà không có loại trừ; (3) Cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ; và (4) Bao gồm những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa. Trong đó, đặc trưng thứ 4 về các cam kết đối với những lịch vực phi truyền thống trong các FTA gần đây đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất của FTA thế hệ mới và FTA truyền thống.
Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). CPTPP xác lập khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong một Chương riêng biệt.
Theo đó, các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng trong CPTPP có thể chia thành 3 nhóm: Các cam kết về môi trường pháp lý đối với hoạt động và cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng; Các cam kết về mở cửa thị trường đối với các dịch vụ tài chính được phép cung cấp; Các cam kết về thanh toán, chuyển tiền, các biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán và các cam kết khác có ảnh hưởng đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Về thuế suất, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.
Các nội dung chính của EVFTA gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực. Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư Liên minh châu Âu (EU) gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Đối với lĩnh vực tài chính, trong EVFTA, Việt Nam cơ bản giữ nguyên các mức cam kết mở cửa đối với dịch vụ tài chính ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm như trong WTO. Cụ thể: Đối với dịch vụ tài chính cung cấp qua biên giới: Không cam kết mở hoặc có cam kết mở nhưng rất hạn chế; Đối với dịch vụ tài chính tiêu dùng ở nước ngoài: mở hoàn toàn, không có hạn chế; Đối với việc thành lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam: mở cửa tương đối nhưng chỉ với các dịch vụ có cam kết (cho phép thành lập chi nhánh của công ty tái bảo hiểm EU tại Việt Nam); Đối với việc người lao động EU đến Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính (hiện diện thể nhân): Không cam kết mở.
Trên thế giới, các FTA thế hệ mới tương tự gồm có EUSFTA (Singapore - EU); EU - Hàn Quốc và EU - Canada. Trong các FTA này, những cam kết liên quan tới tự do hóa tài chính chủ yếu yêu cầu tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bằng một số biện pháp như tăng cung đối với dịch vụ tài chính, cho phép chuyển giao dữ liệu tài chính xuyên biên giới giữa các chi nhánh của một tổ chức.
Những cam kết đối với lĩnh vực tài chính của CPTPP, EUSFTA, EU - Hàn Quốc, EU - Canada… đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với lĩnh vực tài chính của các bên tham gia ký kết. Những cơ hội mà FTA thế hệ mới đem lại có thể kể tới như tham gia vào thị trường quốc tế có tính chuyên nghiệp cao, mở rộng và phát triển thị trường nước ngoài, tiếp cận và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và quản lý tiên tiến từ việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế.
Để tận dụng những cơ hội trên, các quốc gia thành viên phải đối diện với không ít thách thức như: (1) Khuôn khổ pháp lý; (2) Năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính nội địa; (3) Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; (4) Chủ động ứng phó.
Kinh nghiệm của các nước khi thực hiện kết nối và hợp tác tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới
Về khuôn khổ pháp lý
Việc gia nhập và thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra đòi hỏi các nước thành viên phải có những thay đổi pháp lý, phù hợp với những cam kết hội nhập tài chính trong các FTA. Cụ thể, trong FTA thế hệ mới giữa Singapore và EU, nội dung về tạo lập khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ tài chính. Singapore phải tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Các ngân hàng bán lẻ đã được cấp phép tại Singapore được phép mở rộng quy mô gấp đôi nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định về số lượng khách hàng tại mỗi chi nhánh; Không áp dụng các quy định giới hạn đối với các lĩnh vực khác của dịch vụ tài chính (như bảo hiểm, ngân hàng thương mại và ngân hàng bán buôn).
Nếu Singapore cho phép ngân hàng nước ngoài được mở hơn 50 chi nhánh tại Singapore, điều này cần áp dụng cho các ngân hàng của EU. Nội dung này sẽ thay đổi tình trạng trước khi ký kết của Singapore, khiến Singapore phải bãi bỏ quy định giới hạn việc mở rộng của các ngân hàng bán lẻ và yêu cầu giấy phép theo luật pháp quy định.
Để chuẩn bị cho việc tham gia và thực thi FTA thế hệ mới đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tự do hóa tài chính, từ những năm 2000, Singapore đã có chủ trương xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi hơn đối với thúc đẩy sự năng động và đổi mới, đồng thời duy trì hoạt động an toàn và lành mạnh của ngành Tài chính. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore chuyển từ biện pháp giám sát tuân thủ sang giám sát rủi ro, nhằm có các biện pháp quản lỳ phù hợp với các tổ chức tài chính (TCTC) có trình độ phát triển khác nhau trong hệ thống.
Các biện pháp giám sát thị trường tài chính hướng tới phụ thuộc nhiều hơn vào kỷ luật thị trường, thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn về quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, nhằm khuyến khích văn hóa quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn, kiểm soát nội bộ tốt hơn và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, chủ trương của Singapore tự do hóa lĩnh vực tài chính để thúc đẩy cạnh tranh. Singapore đã dần bãi bỏ các quy định được coi là rào cản gia nhập đối với thị trường chứng khoán và hạ thấp các rào cản bảo vệ đối với lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Những biện pháp này được thực hiện nhằm tạo ra động lực lớn hơn đối với các TCTC để thiết lập hoạt động tại Singapore, đồng thời thúc đẩy các TCTC nội địa nâng cao năng lực hoạt động và tăng cường lợi thế cạnh tranh.
Tại Canada, trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, Chính phủ đã chủ trương tăng cường các quy tắc về thuế quốc tế của Canada. Chính phủ Canada có những biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn và cải thiện tính công bằng của hệ thống thuế quốc tế Canada. Hệ thống này bao gồm: Các quy tắc này để ngăn người nộp thuế tránh thuế thu nhập của Canada bằng cách chuyển thu nhập tài sản vào các tập đoàn thường trú nước ngoài. Các quy tắc nhằm đảm bảo cho những người không cư trú phải trả phần thuế hợp lý của họ đối với thu nhập có nguồn gốc từ Canada. Để tăng cường hơn nữa các quy tắc thuế quốc tế của Canada, Chính phủ nước này đã thực hiện các giải pháp sau:
- Mở rộng các quy tắc bán phá giá liên kết nước ngoài trong Đạo luật Thuế Thu nhập để ngăn chặn tình trạng một công ty cư trú tại Canada được kiểm soát bởi một cá nhân không cư trú giảm thuế phải nộp bằng cách đầu tư vào một chi nhánh nước ngoài.
- Đưa ra quy tắc đặt hàng để đảm bảo rằng các quy tắc chuyển giá (nghĩa là các quy tắc áp dụng cho một số giao dịch quốc tế) trong Đạo luật Thuế Thu nhập được áp dụng trước các quy định khác của Đạo luật.
- Đảm bảo rằng thuật ngữ Giao dịch trên mạng có nghĩa giống nhau trong cả quy tắc định giá chuyển nhượng và quy tắc đánh giá trong Đạo luật Thuế thu nhập.
- Ngăn chặn người nộp thuế không cư trú tránh cổ tức Canada khấu trừ thuế đối với các khoản thanh toán bồi thường được thực hiện theo các thỏa thuận cho vay cổ phần xuyên biên giới đối với cổ phiếu Canada.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính nội địa
Quá trình tự do hóa dịch vụ tài chính của FTA thế hệ mới đồng nghĩa với việc tăng cạnh tranh của các định chế tài chính, chấm dứt phân biệt đối xử về pháp lý giữa các tổ chức tài chính của các bên tham gia ký kết. Năng lực cạnh tranh của các TCTC và thị trường tài chính của mỗi quốc gia khi tham gia các FTA thế hệ mới là không giống nhau, do đó việc xác định các cơ hội và thách thức đối với năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính nội địa là cần thiết và được các quốc gia có thị trường tài chính phát triển như Singapore, Canada, Australia, New Zealand đều coi trọng.
Các quốc gia như Singapore, Canada, New Zealand… rất chú trọng tới việc xây dựng một hệ thống tài chính, đặc biệt là các TCTC, uy tín với năng lực cạnh tranh và hoạt động tín dụng, đầu tư an toàn, lành mạnh. Trong những năm gần đây, Chính phủ Singapore không ngừng nâng cao lợi thế cạnh tranh cho thị trường tài chính, thông qua 3 trụ cột chính sách: (i) Tạo dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp và thuận lợi; (ii) Cơ sở hạ tầng kinh doanh tốt và chi phí cạnh tranh; (iii) Nhân lực chất lượng cao.
Các chính sách về khuyến khích công nghệ tài chính, các quy định thân thiện với doanh nghiệp là một trong những lợi thế của Singapore trong thu hút sự hiện diện của các tổ chức tài chính toàn cầu tại quốc gia này. Quỹ Phát triển lĩnh vực tài chính của Cơ quan Tiền tệ Singapore cung cấp hỗ trợ về thuế và khoản tài trợ cho những TCTC mới thành lập hoặc hoạt động tại Singapore.
Quỹ này có nhiệm vụ: Quảng bá Singapore như một trung tâm tài chính; Phát triển và nâng cấp các kỹ năng và chuyên môn theo yêu cầu của ngành Dịch vụ tài chính; Phát triển và hỗ trợ các tổ chức giáo dục và nghiên cứu, các chương trình và dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính; Phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ ngành Dịch vụ tài chính tại Singapore.
So với các trung tâm tài chính khác (London, NewYork, Hong Kong và Tokyo), Singapore có chi phí kinh doanh thấp hơn, trong khi cơ sở hạ tầng kinh doanh và đô thị phát triển tương đương. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời tận dụng tốt những cam kết về hội nhập tài chính từ các FTA thế hệ mới đem lại, việc đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong những chiến lược dài hạn và hiệu quả của Singapore.
Singapore là thị trường gồm nhiều chuyên gia tài chính cấp cao, trong khi ngành Dịch vụ tài chính có nhiều đặc thù kỹ thuật và chuyên môn, và tính di động cao của các tổ chức tài chính lớn, điều này khiến Singapore trở thành địa điểm lý tưởng cho các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Để đảm bảo sự sẵn có liên tục của lao động lành nghề, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã thực hiện các sáng kiến như Chương trình phát triển tài năng ngành Tài chính, Chương trình đào tạo và Viện đào tạo tiêu chuẩn ngành Tài chính – Ngân hàng, Chương trình học bổng để tạo điều kiện phát triển các kỹ năng và chuyên môn của ngành Tài chính. Việc duy trì 3 trụ cột trên giúp Singapore duy trì năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, tận dụng được các cơ hội mà các FTA thế hệ mới đem lại.
Về chính sách tài khóa và tiền tệ
Tại Singapore, trong bối cảnh hội nhập tài chính, chính sách tiền tệ được tăng cường năng lực thực thi và tính hiệu quả. Theo đánh giá của Chính phủ Singapore, dòng vốn tự do và các sản phẩm tài chính phái sinh phức tạp là những rủi ro đối với đồng USD Singapore. Trước đây, Singapore áp đặt các hạn chế toàn diện đối với các khoản vay không dùng đồng USD Singapore, gây cản trở tới sự phát triển của thị trường tài chính. Singapore đã chuyển sang thực thi chính sách tiền tệ rõ ràng và minh bạch hơn, và các biện pháp bảo vệ được áp dụng, nhằm đối phó với rủi ro quốc tế đối với đồng đô la Singapore.
Kinh nghiệm của Singapore, Australia, Canada cho thấy, việc giám sát và quản lý rủi ro đối với hệ thống tài chính ngày càng được coi trọng khi nền tài chính quốc gia hội nhập sâu, rộng hơn với tài chính- kinh tế thế giới. Xu hướng chính sách là tăng cường chính sách an toàn vĩ mô, áp dụng các biện pháp giám sát rủi ro và tăng cường phối hợp chính sách để đối phó với rủi ro mang tính chất hệ thống.
Tại Canada, trong bối cảnh thực thi CPTPP, Chính phủ nước này đã thực hiện những điều chỉnh đối với chính sách tài khóa như tăng chi cho hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường cơ chế chống rửa tiền và chống khủng bố (AML/ATF). Kế hoạch ngân sách 2019 của Canada đã đề xuất một kế hoạch tổng hợp để hiện đại hóa khuôn khổ AML/ATF của Canada và tăng cường nguồn lực dữ liệu, thông tin tài chính và chia sẻ thông tin. Chính phủ nước này đã thực hiện tăng cường năng lực điều hành và điều tra của Chính phủ liên bang bằng cách cung cấp 68,9 triệu USD Canada trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2019 và 20,0 triệu USD mỗi năm cho Cảnh sát Hoàng gia Canada.
Đồng thời, ngân sách đầu tư 24 triệu USD Canada trong vòng 5 năm từ 2019-2020 cho Nhóm Hành động, Phối hợp và Thi hành phòng chống rửa tiền - nơi tập hợp các chuyên gia từ các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật - để tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan, xác định và giải quyết các mối đe dọa rửa tiền và tội phạm tài chính. Ngân sách năm 2019 cũng đề xuất các biện pháp lập pháp bổ sung để tăng cường khung pháp lý Canada và hỗ trợ năng lực hoạt động. Với các biện pháp này, Canada sẽ áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất, cung cấp các công cụ mới cho các nhà điều tra và công tố viên và hỗ trợ tuân thủ quy định của khu vực tư nhân.
Về chủ động ứng phó đối với rủi ro từ hội nhập tài chính
Các FTA thế hệ mới đem lại cơ hội hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế - tài chính thế giới cho các nước thành viên, đồng thời cũng có không ít rủi ro lớn hơn đối với các quốc gia nếu kinh tế - tài chính toàn cầu xảy ra khủng hoảng. Các quốc gia có xu hướng tăng cường việc kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm duy trì ổn định của hệ thống tài chính, chủ động ứng phó với những rủi ro kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh tham gia ký kết ngày càng nhiều các FTA thế hệ mới, Singapore đã thành lập Ủy ban Kinh tế Tương lai (CFE) vào năm 2016 nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho thập kỷ tiếp theo. Nhằm đối phó với những bất ổn khó lường của kinh tế - tài chính toàn cầu, CFE của Singapore không chỉ dự báo các xu hướng, thách thức, mà còn đưa ra những chiến lược đối phó với những thách thức bên ngoài (được xác định gồm tăng trưởng toàn cầu chững lại, thay đổi nhanh chóng về công nghệ, bất ổn chính trị và chống toàn cầu hóa gia tăng), nhằm sẵn sàng ứng phó, nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả đối với những tình huống bất lợi có thể xảy ra.
Tại Australia, một trong những nhiệm vụ mục tiêu của Hội đồng điều tiết tài chính liên bang là nhận diện các xu hướng mới nổi cũng như các vấn đề chính sách đối với hệ thống tài chính, tập trung vào những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính nói chung và đảm bảo sự phối hợp phù hợp giữa các cơ quan của Chính phủ trong việc lập kế hoạch và ứng phó với các trường hợp bất ổn tài chính.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Đối với Việt Nam, việc tham gia CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện khác biệt trong tiếp cận tài chính – ngân hàng giữa định chế tài chính Việt Nam và định chế tài chính của các bên tham gia ký kết khác. Trong bối cảnh hành lang pháp lý thanh tra, giám sát tài chính của Việt Nam chưa đủ mạnh, việc cho phép các giao dịch tài chính xuyên biên giới (trong CPTPP), phát triển và mở rộng các phương thức thanh toán mới, sản phầm tài chính đa dạng… sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro thanh toán, rủi ro tài chính và tội phạm tài chính tại Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh đòi hỏi các định chế tài chính Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động ứng phó với những tác động từ môi trường kinh tế quốc tế, cải tổ về năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tài chính công nghệ cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ những rào cản về sở hữu của cổ đông nước ngoài tại các TCTC dần được thực hiện theo các cam kết, kèm theo các nguy cơ bị thâu tóm các TCTC lớn của quốc gia, dẫn đến việc kiểm soát và thao túng tiền tệ quốc gia. Để đối phó với các rủi ro do những bất cập trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục chủ động cải cách môi trường kinh doanh, thể chế phù hợp với nguyên tắc thị trường (như Singapore), giảm bớt các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, hướng tới quản lý bằng các công cụ thị trường như áp dụng các chuẩn mức đảm bảo an toàn, theo thông lệ quốc tế.
Về năng lực của tổ chức tài chính và thị trường tài chính
Việc tham gia và thực thi các FTA mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với các định chế tài chính của Việt Nam như tăng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế, gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các TCTC Việt Nam, áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng sang các tổ chức nước ngoài và khu vực. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính Việt Nam trước khi tham gia CPTPP và EVFTA còn tương đối thấp so với đối tác. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (2017) cho thấy, mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia trong khối CPTPP (Hình 1), đặc biệt độ lành mạnh của các ngân hàng Việt Nam chỉ đứng thứ 112 trên tổng 137 quốc gia xếp hạng, thấp nhất trong 11 quốc gia ký kết Hiệp định CPTPP. Quy mô hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng thứ 6/11 quốc gia thành viên, thấp hơn nhiều so với Canada và Singapore.
Như vậy, áp lực cạnh tranh đòi hỏi các định chế tài chính Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động ứng phó với những tác động từ môi trường kinh tế quốc tế, cải tổ về năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tài chính công nghệ cần được chú trọng.
Về công tác điều hành chính sách vĩ mô
Điều hành chính sách tài chính của Việt Nam cần tính đến tác động của việc thực thi các FTA thế hệ mới, tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước và các rủi ro tiềm ẩn để từ đó lựa chọn quan điểm và điều chỉnh chính sách hợp lý. Kinh nghiệm của Singapore, Australia, Canada cho thấy, việc giám sát và quản lý rủi ro đối với hệ thống tài chính ngày càng được coi trọng khi nền tài chính quốc gia hội nhập sâu, rộng hơn với tài chính- kinh tế thế giới.
Xu hướng chính sách là tăng cường chính sách an toàn vĩ mô, áp dụng các biện pháp giám sát rủi ro và tăng cường phối hợp chính sách để đối phó với rủi ro mang tính chất hệ thống. Tại Việt Nam trong giai đoạn tới, cần tăng cường chuẩn hóa và tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính, đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động của các cơ quan giám sát tài chính, nhằm cải thiện chất lượng giám sát.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Quang Thuận (2019), Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
2. Nguyễn Thị Hiền (2018), Thách thức đối với hệ thống ngân hàng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Kỷ yếu Hội thảo hệ thống ngân hàng Việt Nam với việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội, tháng 8/2018;
3. Trần Thị Kim Chi (2017), Cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Tạp chí Tài chính tháng 12/2017.
4. WTO (2019) Có những loại FTA nào?, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/12404-co-nhung-loai-fta-nao;
5. Canada (2019) Budget 2019. Chapter4: Delivering Real Change, https://www.budget.gc.ca/2019/docs/plan/chap-04-en.html;
6. European Parliament. Directorate-General for External policies. (2018), Free trade agreement between the EU and the Republic of Singapore – Analysis;
7. Lee Hsien Loong: Remarking Singapore’s financial sector, https://www.bis.org/review/r021101c.pdf;
8. Singapore’s transformation into a Global Financial Hub. Lee Kuan Yew. School of Public Policy. NUS, https://lkyspp.nus.edu.sg/docs/default-source/case-studies/entry-1516-singapores_transformation_into_a_global_financial_hub.pdf?sfvrsn=a8c9960b_2.