Việt Nam – một trong số ít những quốc gia kiểm soát hiệu quả lạm phát
Trong năm 2022, không chỉ được các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao nhờ xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia tăng mà Việt Nam còn là một trong số ít những quốc gia kiểm soát lạm phát hiệu quả.
Trong năm 2022, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Những tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero-COVID-19” của Trung Quốc… đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát trở thành câu chuyện chung của không ít các quốc gia và tại nhiều nền kinh tế lớn đã lạm phát mức cao nhất trong 40 năm qua. Việc các nền kinh tế phát triển tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã gây ra tình trạng “nhập khẩu lạm phát”, với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần đảm bảo đời sống người dân.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức chiều 17/12/2022, ông Denis Brunetti - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) nhấn mạnh, trong năm 2022, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã đưa những chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
“Vừa qua, chúng ta cũng đã thấy Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã thực sự đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nên đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tăng trưởng GDP sẽ được đảm bảo”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Trong buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 14/12/2022, ông Hayakawa Yuho - Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam "có cách quản lý kinh tế vĩ mô tuyệt vời".
"Tôi rất ấn tượng với kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính Việt Nam. Sự tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam là rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua", ông Hayakawa Yuho nhấn mạnh.
Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2022, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các bộ, ngành chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như từng thời kỳ trong năm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, ngoài các biện pháp điều hành thông thường qua các đợt điều chỉnh giá bám sát diễn biến thị trường thế giới, để kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trên cơ sở điều kiện thực tế và đảm bảo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để tính giá cơ sở xăng dầu, qua đó góp phần đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá; tránh việc lợi dụng giá xăng dầu tăng để kết cấu thêm các khoản chi phí, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Có thể nói, công tác quản lý điều hành giá đã được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định; Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới với mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới…
Kết quả là chỉ số giá tiêu dùng bình quân của Việt Nam năm 2022 tiếp tục đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra là dưới 4%. Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.