Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng kinh nghiệm về cải cách của các quốc gia


Đó là quan điểm của ông Jan Rielaender, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều (MDCR) của OECD tại tọa đàm Khởi động báo cáo đánh giá đa chiều, góp phần tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Thế giới đang dịch chuyển nhanh vậy Việt Nam đang ở đâu?

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong một thế giới đang dịch chuyển nhanh và sâu sắc, Việt Nam đứng trước những vận hội mới để phát triển nhanh, bền vững hơn, song cũng phải xử lý nhiều vấn đề mới và phức tạp về kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa.

Đó là yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu, bảo vệ môi trường và bản sắc văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những quốc gia như Việt Nam muốn vươn lên cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương thức phát triển.

Đưa ra một góc nhìn từ bên ngoài về quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, Việt Nam là nước có bước phát triển đáng khích lệ nhất trên thế giới kể từ khi đổi mới diễn ra đến nay, không ngừng đi lên và tăng trưởng, chuyển mình, thay đổi cơ cấu và cất cánh.

Tuy nhiên, ông Dione cho rằng, dù đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng chất lượng tăng trưởng là vấn đề còn phải bàn để củng cố cơ sở nền tảng trở thành nước phát triển trung bình và thu nhập cao đến năm 2035.

OECD muốn đưa quan hệ đối tác giữa hai bên lên tầm cao mới

Ông Jan Rielaender, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều (MDCR) của OECD cho biết, thông qua hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo, OECD muốn đưa quan hệ đối tác giữa hai bên lên tầm cao mới. Nội dung quan trọng của báo cáo này là thể hiện tinh thần học hỏi lẫn nhau giữa các quốc gia trên con đường phát triển để giúp Việt Nam phát triển.

Thông qua Báo cáo MDCR, Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng kinh nghiệm và những kiến thức về cải cách của các quốc gia khác, đồng thời 53 quốc gia thành viên của OECD cũng có cơ hội hiểu Việt Nam hơn, học hỏi từ thành công và thách thức Việt Nam.

Ông Jan Rielaender nhìn nhận: “Đã lâu có sự đồng thuận lớn cho rằng GDP là mục tiêu quan trọng nhất đối với phát triển. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều thứ phải quan tâm hơn thay vì chỉ quan tâm đến tiền. Đó là sự tăng trưởng bao trùm, trong đó mọi người dân trong một quốc gia được phát triển hết tiềm năng và sống một cuộc sống xứng đáng. Đó là phát triển phải hài hòa với tự nhiên, tôn trọng những giới hạn. Cần coi các mục tiêu phát triển bền vững là một trong các mục tiêu quan trọng và phải đạt được vào năm 2030”.

Nhìn về bước phát triển của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, ông Jan Rielaender cho biết, nhiều nước muốn học tập Việt Nam. “Nhiều thành viên ở OECD biết rằng Việt Nam có những thành tích vượt trội hơn hầu hết các nước về PISA (cách đo lường chất lượng giáo dục căn bản của một quốc gia) của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn tìm hiểu xem làm sao các bạn làm được điều đó”, ông Jan Rielaender nói.