Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm

PV.

Tại Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 2/2017, ngân hàng HSBC nhận định, ngành sản xuất vẫn là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực của các công ty đa quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các chuyên gia của HSBC đánh giá cao những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017, HSBC đánh giá ngành sản xuất vẫn gặt hái thành công. Kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất cũng rất hứa hẹn. Chỉ số PMI tháng 12 đạt 52,4 điểm đã phản ánh sự cải thiện bền vững các điều kiện hoạt động của ngành. Đơn đặt hàng mới tăng, bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu mới giúp hoạt động sản xuất tăng theo. Niềm tin trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được củng cố nhờ vào các quyết định tuyển dụng thêm nhân viên và tích lũy hàng tồn kho của các doanh nghiệp.

Theo dự báo của HSBC, tăng trưởng GDP của Việt Nam các quý trong năm 2017 lần lượt là quý 1 đạt 6,3%; quý 2 đạt 6,4%; quý 3 đạt 6,7%; quý 4 đạt 6,8%. Cùng với đó, chỉ số lạm phát các quý lần lượt là 5%; 4,4%; 4,6%; 3,6%.

Để tiếp tục phat triển bền vững, theo HSBC, phải thừa nhận tầm quan trọng của chi tiêu công tại Việt Nam bởi nếu không tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tốc độ nhanh sẽ không thể bền vững. Tăng trưởng chi tiêu công mạnh mẽ cũng là nền tảng trong việc giữ nhu cầu trong nước sôi nổi.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia của HSBC, cần phải tiếp tục các nỗ lực cải tổ tài chính công bao gồm việc bán cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước. Việc gần đây Chính phủ công bố tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp thay vì chỉ theo lĩnh vực như trước đây được HSBC đánh giá sẽ giúp tốc độ thoái vốn nhanh hơn, mở ra nhiều cơ hội tài khóa giúp kích thích các hoạt động kinh tế, đồng thời cải thiện các triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Chính vì vậy, HSBC khuyến nghị cải cách xung quanh tài chính công không nên chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn phải cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp Nhà nước.