Việt Nam tiếp tục tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo thoibaonganhang.vn

Rủi ro trên môi trường đầu tư đã cải thiện tương đối tốt cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ.

Vốn FDI đang tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng là Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Ảnh minh họa. Nguồng:Internet
Vốn FDI đang tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng là Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Ảnh minh họa. Nguồng:Internet

Triển vọng tăng, rủi ro giảm

66,6% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Mặc dù tỷ lệ DN có kế hoạch mở rộng hoạt động chỉ tăng nhẹ (2,7 điểm %) so với năm 2015, song khảo sát đã ghi nhận những đánh giá tích cực rõ rệt của cộng đồng DN Nhật Bản về môi trường đầu tư Việt Nam.

Thông tin được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố sáng 14/2, dựa trên kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam”, thực hiện tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2016.

Khoảng 88% DN cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”, trong khi có khoảng 46% DN lựa chọn “tính tăng trưởng, tiềm năng cao”. Riêng trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 63% số DN mở rộng hoạt động vì “tính tăng trưởng và tiềm năng cao”. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN trả lời “có lãi” chiếm 62,8% (tăng 4 điểm % so với năm trước), trong khi DN trả lời “lỗ” chỉ chiếm 25,1%.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có phần sáng lạn hơn so với năm ngoái chỉ là một phần lý do cho động thái mở rộng sản xuất của DN Nhật Bản. Khảo sát của Jetro trong năm 2016 đã ghi nhận, xét về các yếu tố rủi ro của môi trường đầu tư, thứ hạng của Việt Nam tại các hạng mục đang giảm xuống, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện.

Cụ thể là trong số 5 rủi ro của môi trường đầu tư, có tới 4 rủi ro đã giảm điểm. Yếu tố rủi ro duy nhất có điểm số tăng là chi phí nhân công tăng cao. Tuy nhiên Jetro cũng cho biết, Việt Nam không thuộc Top 5 quốc gia có rủi ro lớn nhất về yếu tố này.

Diễn biến trong năm 2016 đã có sự thay đổi đáng kể so với năm 2015. Cùng thời điểm này năm ngoái, kết quả từ khảo sát tương tự của Jetro đã ghi nhận cả 5 hạng mục rủi ro hàng đầu trong môi trường đầu tư đều tăng cao, đủ để kết luận là môi trường đầu tư Việt Nam đã có phần kém đi trong năm 2015. Tuy nhiên đến năm nay thì cục diện đã nhanh chóng thay đổi.

Một trong những rủi ro lớn nhất mà các DN Nhật Bản quan ngại là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, trong năm 2016 đã có sự cải thiện nhanh chóng khi giảm tới 14,9 điểm %. Nếu như 2 năm liên tiếp là 2014-2015, Việt Nam trụ vững ở vị trí thứ 3 về mức độ rủi ro của yếu tố này, thì tới năm 2016 đã hạ xuống vị trí thứ 6.

Hai yếu tố rủi ro khác là thủ tục hành chính phức tạp, và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp cũng giảm lần lượt là 19,3 điểm % và 15,4 điểm %. Ở các hạng mục này, Việt Nam lần lượt đứng ở vị trí thứ 8 và thứ 9 trong số 15 quốc gia về mức độ rủi ro.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội đánh giá, tỷ lệ DN nhận định rủi ro tồn tại trên môi trường đầu tư đã có sự cải thiện tương đối tốt, cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế chính sách trong năm vừa qua.

Nhiều góc nhìn tích cực

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, vì vậy những đánh giá của NĐT này đã hé mở nhiều góc cạnh về nhìn nhận của NĐT nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, đối với NĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Hàn Quốc, thì tình hình mở rộng đầu tư của quốc gia này trong năm vừa qua đã cho thấy những đánh giá tích cực tương tự. Trong top 10 dự án đầu tư mới từ các quốc gia trong năm 2016, có tới 5 dự án là của NĐT Hàn Quốc. Trong đó, 2 dự án lớn nhất có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD thuộc về LG. Còn Samsung ngay trong những ngày đầu năm 2017 đã đề xuất kế hoạch bổ sung thêm 2,5 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh từ năm 2018, nâng số vốn đầu tư vào tỉnh này lên 6,5 tỷ USD.

Ông Hwang Young Key, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc cho biết, các DN Hàn Quốc đánh giá cao sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội trong thời gian tới. Đồng thời, việc Chính phủ Việt Nam không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư đã tạo động lực cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng mở rộng thị trường.

Riêng trong năm 2016 vừa qua, hàng loạt tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những nhận định khá tương đồng về triển vọng thu hút FDI của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hồi tháng 8/2016, Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Financial Times (Mỹ) đưa ra công bố, lần thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút FDI. Theo cơ quan này, vị trí dẫn đầu của Việt Nam cách xa đáng kể quốc gia ở vị trí thứ hai là Hungary, cũng như các đối thủ của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, và Indonesia.

Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) khẳng định các NĐT ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực châu Á đang phát triển. Bằng chứng là trên tổng số 765 tỷ USD vốn FDI trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước “châu Á đang phát triển” là 541 tỷ USD, tăng 10 lần chỉ trong vòng một năm. Đặc biệt vốn đang tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng là Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.

Trong khi đó, báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam cùng 5 nền kinh tế đang nổi khác là những nước sẽ có tăng trưởng cao trong năm nay và nhiều năm tiếp theo. Đây sẽ là yếu tố then chốt để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến triển triển vọng để mở rộng hoạt động đầu tư trong tương lai.