Việt Nam ứng phó ra sao trước nguy cơ của chiến tranh tiền tệ?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng và có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ khi Mỹ chính thức gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc. Dù hiện nay chưa rõ ràng về viễn cảnh tồi tệ này, đã có những nhận định ảm đảm về những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần ứng phó ra sao?
Triển vọng ảm đảm về kinh tế - thương mại toàn cầu bắt đầu được nhắc đến sau một thời dài căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đi kèm với hàng loạt biện pháp áp thuế lẫn nhau của hai nước. Giờ đây, những dự báo ngày càng nhiều hơn khi các biện pháp tiền tệ bắt đầu được một số Ngân hàng Trung ương sử dụng.
Tuy hiện nay, nhiều dự báo cho rằng, chiến tranh tiền tệ có thể chưa diễn ra trong tương lai gần bất chấp các động thái giảm giá đồng nội tệ của một số nước, song Ngân hàng Trung ương các nước sẽ không thể “lơ là” với các diễn biến khó lường những ngày gần đây và tới đây. Đối với Việt Nam - nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu thường sẽ rất nhạy cảm đối với các động thái ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có kim ngạch xuất nhập cao với Việt Nam.
Báo cáo vừa được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu Đào tạo Ngân hàng BIDV công bố hôm 6/8 nhận định, dù Việt Nam hiện không bị Mỹ "gắn mác" là nước thao túng tiền tệ song đã bị đưa vào danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi. Việt Nam cũng là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt do Việt Nam đã chạm hai ngưỡng (cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2%GDP).
Trong khi đó, điều kiện thứ ba là có can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng ngoại tệ liên tục của NHNN cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ (mà gần nhất là tháng 9/2019).
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Việt Nam cần ứng phó gì với những diễn biến mới trên thị trường tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là trước nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra? Trong báo cáo của mình, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để ứng xử với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang thẳng hiện nay, trong đó có diễn biến mới nhất là việc Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc.
Theo đó, các chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần phối hợp tốt để trao đổi thông tin, giải trình, thể hiện thiện chí, thường xuyên trao đổi đối với Mỹ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam phục vụ đợt rà soát vào tháng 9/2019. Đặc biệt, cần phải có giải pháo để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây rất nhiều bất lợi cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá của Việt Nam cần tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, khéo léo, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối để không bị vi phạm ngưỡng cảnh báo thứ ba. Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền. Cần thực hiện linh hoạt (có mua, có bán) và giải trình với Mỹ việc điều hành tỷ giá trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Đặc biệt, nhóm chuyên gia này cũng khuyến cáo Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ (nếu có), không nên có động thái phá giá đồng tiền vì có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, đáng mừng là lâu nay, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán trong điều hành với quan điểm “không phá giá tiền đồng”.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để "lách thuế" từ Mỹ, bởi Việt Nam đã bị Tổng thống Mỹ D.Trump cho là nước "lợi dụng chiến tranh thương mại tốt nhất" trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, Mỹ không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia vi phạm. Việc quốc gia này quyết định tăng thuế đối với một số sản phẩm bị cáo buộc thay đổi xuất xứ để né thuế, như áp thuế mức 456,23% đối với một số loại thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan là những minh chứng.
Cuối cùng, một trong những điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý. Việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong nhiều năm qua. Và giờ đây, điều này càng có ý nghĩa quan trọng nhằm ngăn ngừa các rủi ro từ các biến động khó lường từ căng thăng thương mại và tiền tệ toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam.