Vietcombank FDI trong hành trình vươn ra biển lớn
Với tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo, Vietcombank là ngân hàng tiên phong trong hệ thống các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam thành lập riêng Ban khách hàng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giữa những bộn bền kế hoạch, chi tiêu deadline… cùng nhìn lại chặng đường năm 2019 mà Ban khách hàng FDI vượt qua
Năm 2019 là năm có những hoạt động nổi bật, đánh dấu bước phát triển mới của Ban FDI trong việc nâng tầm quan hệ chiến lược giữa Vietcombank với các đối tác lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác kinh doanh song phương với Samsung, Lotte, CJ CGV, Piaggio… chính là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác, phát triển hoạt động kinh doanh, khai thác tốt nhất tiềm năng thị trường, phát huy tối đa thế mạnh.
Về tín dụng, Ban FDI đã đàm phán thành công với Ngân hàng phát triển Hàn Quốc KDB và tổ hợp các ngân hàng cho vay để tham gia tài trợ cho Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất polypropylen và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng LPG của Tập đoàn Hyosung tại Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.
Vietcombank lần đầu tiên đóng vai trò vừa là ngân hàng tham gia cho vay vừa là thành viên đầu mối quản lý tài sản đảm bảo cho toàn bộ Dự án. Giao dịch này thực sự đã mở ra cơ hội cho Vietcombank trong việc phát triển dịch vụ làm Thành viên đầu mối nhận tài sản đảm bảo, tạo tiền đề cho Vietcombank tham gia các Dự án hợp vốn quy mô lớn tầm quốc tế.
Ban FDI cũng tiến những bước chân tới gần thị trường quốc tế thông qua việc tiếp cận các dự án trọng điểm tầm cỡ thế giới. Việc trở thành ngân hàng chuyển đổi và ngân hàng quản lý tài khoản trong nước cho Dự án trọng điểm Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD), Dự án Khí lô B (khâu thượng nguồn, tổng đầu tư 6,6 tỷ USD); Ngân hàng quản lý tài khoản trong nước cho dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (tổng đầu tư xấp xỉ 2,8 tỷ USD), bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho dự án Nhiệt điện Vân Phong 2 (tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2,5 tỷ USD) là minh chứng rõ ràng cho việc Vietcombank là lựa chọn hàng đầu cho các dự án tỷ đô. Ngoài ra, Vietcombank vẫn luôn duy trì được thị phần tín dụng trọng yếu với các đối tác quan trọng như: C.P Việt Nam, Hyosung, Formosa, Greenfeed, Far Eastern, Hwasung Vina, Namuga Phú Thọ, Chinfon Cement...
Về giao dịch mua bán ngoại tệ, Ban FDI đã phối hợp với các Phòng ban liên quan tại Trụ sở chính nghiên cứu xây dựng quy trình nhằm triển khai giao dịch mua bán ngoại tệ với Tập đoàn LG Eletronics thông qua FXall Electronic Trading Platform. Với giao dịch này, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai, góp phần nâng cao uy tín của Vietcombank cũng như tăng cường các cơ hội hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia.
Về các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện SWIFT (MT 940, MT101…), Ban FDI cũng đã tiên phong trong việc chào thành công dịch vụ và cung cấp cho hàng loạt các khách hàng như: Lotte, LG Electronics, POSCO…
Mặt khác, cùng với nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam của một số tập đoàn thương mại lớn đa ngành nghề của Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng xanh, Ban FDI đã nghiên cứu phối hợp với các ngân hàng lớn của Nhật Bản đưa ra các phương án tài trợ trên cơ sở Vietcombank là Đại lý quản lý tài sản đảm bảo trong nước, thẩm định và phát hành bảo lãnh thanh toán, các ngân hàng Nhật Bản sẽ tài trợ nguồn vốn ngoại tệ với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, Vietcombank cũng chú tâm phát triển Khách hàng FDI SMEs, đặc biệt là các SMEs Nhật Bản. Việc tiếp cận và phát triển khách hàng mới được Ban FDI triển khai một cách chuyên nghiệp thông qua việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đầu mối về đầu tư FDI tại Việt Nam như: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Korea Desk - Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ phận Hợp tác quốc tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm), Hiệp hội doanh nghiệp Đức GBA…
Bên cạnh đó, Ban FDI cũng nỗ lực nghiên cứu xây dựng định hướng tín dụng, chính sách khách hàng tổng thể đối với các nhóm khách hàng đặc thù. Cụ thể, Báo cáo ngành linh kiện điện tử của Ban FDI đã ban hành được định hướng nhất quán cho các Chi nhánh Vietcombank trong giao dịch với các công ty nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Apple, Intel…) đồng thời, tăng cường lợi ích tổng thể cho Vietcombank.
Đón đầu xu hướng đầu tư gián tiếp thông qua việc góp vốn mua cổ phần và mua bán sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư lớn, Ban FDI đã tổ chức các chương trình làm việc và tìm hiểu nhu cầu của các đối tác lớn như SK, Lotte E&C, POSCO Energy, Hyosung, Wooribank, Nong Hyup Bank ... Trên cơ sơ đó, Ban FDI phối hợp với Ban Khách hàng doanh nghiệp lớn phía Bắc chọn lọc danh sách những giao dịch tiềm năng có nhu cầu thoái vốn để kết nối các bên.
Năm 2019, tuy vẫn khát khao đạt nhiều thành quả hơn nhưng Ban FDI cũng không khỏi tự hào khi điểm lại những trái ngọt. Dù còn non trẻ với “tuổi đời” chưa được 5 năm, hành trình đã qua là giai đoạn chúng tôi xây dựng nền móng, lực lượng, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để trở thành đội ngũ tiên phong trong công cuộc xây dựng quan hệ với những doanh nghiệp FDI.
Đồng hành cùng lực lượng RM FDI trong toàn hệ thống, đích đến của chúng tôi là trở thành Đối tác Chiến lược - Tin cậy - Thủy chung của các Khách hàng FDI đầu tư vào Việt Nam, và hơn tất cả, để cùng Vietcombank vươn ra biển lớn.