VietJet Air có bảo đảm an toàn bay?

Thanh Hà - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Lần đầu tiên kể từ khi cất cánh năm 2009, toàn bộ đội tàu bay VietJet Air bị đặt vào diện kiểm soát đặt biệc trong vòng 1 tháng. Nhưng VietJet Air sẽ làm gì để nâng cao an toàn bay lại là điều chưa rõ?

VJA tăng nhanh số lượng máy bay từ 3 lên 10 chiếc chỉ trong vòng 1 năm rưỡi. Nguồn: internet
VJA tăng nhanh số lượng máy bay từ 3 lên 10 chiếc chỉ trong vòng 1 năm rưỡi. Nguồn: internet

Sự cố bay nhầm lịch trình, điểm đến của Hãng hàng không VietJet Air (VJA) vừa qua đã gây "rung động" ngành hàng không Việt Nam vì đe dọa trực tiếp an toàn bay. Trước đó, theo lịch trình, một máy bay của hãng bay giá rẻ này vận chuyển 200 hành khách đi Đà Lạt, nhưng đến tận khi hạ cánh mới phát hiện điểm đến là… sân bay Cam Ranh! Đại diện của VJA giải thích: do "đáp nhầm sân bay" và "bay nhầm giờ". Đây là sự cố khai thác nghiêm trọng và có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và chính Bộ trưởng Đinh La Thăng phải lên tiếng xin lỗi người dân, hành khách. Đồng thời, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp giám sát đặc biệt đối với hãng bay này.

Vì nhân lực "bay chậm"?

Chiều 30/6/2014, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về những biện pháp nâng cao an toàn bay, ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc VietJet Air, từ chối trả lời trực tiếp, mà giới thiệu phóng viên làm việc với chị Vũ Nguyễn Tuyết Nhung – người phụ trách truyền thông của hãng. Sau đó, chị Mai Anh (tự giới thiệu là nhân viên của chị Nhung) trả lời ngắn gọn: "Chúng tôi đang phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và chưa nhận được kết luận cuối cùng của cơ quan này. Chính vì vậy, tạm thời VJA chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí và khi nào có kết luận đầy đủ sẽ chủ động thông tin".

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục Hàng không Việt Nam huy động ngay nhân lực để giám sát toàn bộ hoạt động của VJA về khai thác, bảo dưỡng máy bay, khai thác mặt đất và huấn luyện. Chương trình giám sát đặc biệt từ ngày 26/6/2014 đến 26/7/2014 cụ thể, giám sát tổ chức và hệ thống tài liệu; giám sát thực địa; giám sát trên chuyến bay và giám sát công tác kiểm soát, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở chính của hãng.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết: "VJA phải thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của Cục Hàng không qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như đánh giá, duy trì tiêu chuẩn của quy trình khai thác đường bay. Trong đó, phải hoàn thiện, rà soát hệ thống tài liệu, triển khai quy trình thao tác, đặc biệt là hệ thống đánh giá chất lượng nội bộ trong công tác đảm bảo an toàn chuyến bay".

Theo ông Thanh, trong cuộc thanh tra hồi tháng 5/2014, cơ quan này đã khuyến cáo về hoạt động điều hành bay của VJA. Số lượng máy bay của hãng tăng nhanh, nhưng đội ngũ nhân lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu vận hàng hệ thống khai thác bay. Do đó, điều cần thiết là VJA phải nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện nhân viên ở tất cả các khâu để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho mỗi chuyến bay.

Tham tăng trưởng "nóng"

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nên xem xét, rút bớt số lượng máy bay hoạt động của VJA nếu không đáp ứng đủ điều kiện khai thác, vận hành (về nhân lực, tài chính…), ông Lại Xuân Thanh cho biết, sau một tháng giám sát đặc biệt, Cục Hàng không sẽ có đánh giá lại tổng thể trên tinh thần VJA đã khắc phục được tất cả các khuyến cáo, có đủ năng lực khai thác số tàu bay như hiện tại hay không.

Được biết, VJA tăng nhanh số lượng máy bay từ 3 lên 10 chiếc chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, tăng cường mở rộng tuyến bay nội địa và quốc tế. Cuối năm 2013, hãng bay tư nhân giá rẻ này công bố đã kí hợp đồng đặt mua 100 máy bay của Airbus, có trị giá 9,1 tỷ USD để mở rộng khai thác thị trường. Theo đó, mỗi năm VJA nhận từ 5-8 chiếc máy bay phục vụ cho việc phát triển của mình, mở rộng ra phạm vi hoạt động. Tham vọng phát triển quá "nóng" của VJA khiến nhiều người hoài nghi về nguồn lực tài chính của hãng có đủ theo kịp "tốc độ bay" không, nhất là sau sự cố nghiêm trọng của cả hệ thống vừa qua.

Thực tế, một số hãng hàng không tư nhân như Indochina Airlines, Air Mekong… bị thua lỗ nặng, phải ngừng bay, phá sản chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Nguồn lực tài chính đủ mạnh, nhân sự chất lượng, hệ thống quản lý tiêu chuẩn… là những yếu tố cần thiết, nhưng lại đang thiếu khiến "giấc mơ bay" của một số ông chủ hãng bay phải gác lại.

Ngoài việc yêu cầu các hãng hàng không phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động, theo ông Thanh, sự cố của VJA cũng khiến Cục Hàng không phải rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình khai thác bảo đảm của các hãng bay. Nhờ đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác tàu bay. Bên cạnh đó, rà soát ngay hệ thống tài liệu, quy định để kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế ngay trong tài liệu khai thác bay của các đơn vị.