VN-Index đang được thúc đẩy nhờ đâu?
Ngày 27/9/2019 vừa qua, FTSE Russell đã công bố đánh giá phân hạng thị trường kỳ tháng 9/2019, kết quả là thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2. Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tích cực.
Tầm ảnh hưởng từ đánh giá của FTSE
Hiện tại có ba tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, S&P Dow Jones, với định kỳ đánh giá xếp hạng thị trường hằng năm. Tuy mỗi tổ chức có hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào một số điều cơ bản, như sự ổn định về chính trị, mức độ phát triển của nền kinh tế, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn...
Theo tiêu chuẩn của cả ba tổ chức xếp hạng trên, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thấp nhất là “thị trường cận biên” (Frontier Market). Trong kỳ đánh giá vừa qua của FTSE, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được “tiêu chí thanh toán T+2/T+3” và FTSE vẫn duy trì đánh giá ở mức hạn chế. Còn với tiêu chí “thanh toán - ít có giao dịch thất bại”, FTSE duy trì ở trạng thái “N/A”, nghĩa là cần phải có thông tin để đánh giá.
Tuy vậy, mức độ tác động của thông tin này lên thị trường chứng khoán là không lớn. Do quy mô của các quỹ thụ động và chủ động neo theo danh mục của MSCI nhiều hơn so với FTSE, nên đối với đánh giá của MSCI khiến thị trường diễn biến tích cực hơn, còn đối với FTSE thì không mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường. Về mặt ảnh hưởng, quy mô và uy tín, FTSE cũng không bằng MSCI, và do đó số quỹ mà họ neo theo danh mục chỉ số của quỹ FTSE là rất ít, phần lớn các quỹ neo theo chỉ số MSCI.
Thống kê cho thấy chỉ số MSCI Emerging Markets SmallCap đang có 24 quỹ làm tham chiếu, trong đó có 3 ETF và 21 quỹ tương hỗ với tổng tài sản là 4,8 tỷ USD. Theo thống kê của MSCI, hiện có tới 1.600 tỷ USD tài sản đang sử dụng các bộ chỉ số liên quan đến Emerging Market của MSCI. Trong khi đó, chỉ có 6 quỹ đang dùng FTSE Emerging Markets Index làm tham chiếu, trong đó có ba ETF và ba quỹ tương hỗ, tổng giá trị tài sản đang quản lý là 5,1 tỷ USD.
Thị trường đang được hỗ trợ từ đâu?
Thay vào đó, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp bước vào mùa cao điểm trong tháng 10 này. Đây được xem là chất xúc tác cho đà đi lên của thị trường trong những ngày tới. Với việc chỉ số VN-Index đang duy trì vững chắc trên mốc 990 điểm, dường như mục tiêu chinh phục trở lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đang có khả năng thành hiện thực.
Một thông tin khác cũng rất quan trọng có thể khiến các nhà đầu tư thêm hào hứng, đó là theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay.
Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại giảm một loạt lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, và kỳ vọng sẽ có những tác động lan tỏa để giúp ổn định mặt bằng lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng được xem là chất xúc tác quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Trở lại với việc nâng hạng, FTSE Russell cho biết đã ghi nhận những nỗ lực để cải thiện thị trường của Việt Nam trong 12 tháng qua. Tuy Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nhưng có thể trở thành thị trường mới nổi loại 2 vào tháng 9/2020 nếu đáp ứng được các tiêu chí của FTSE Russell. Nếu FTSE công bố nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020, đồng nghĩa với việc MSCI phải cân nhắc và xem xét kỹ hơn các tiêu chí để nâng hạng trong năm kế tiếp, theo đó sẽ kích thích hàng tỷ USD sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đã có hiện tượng đầu cơ theo “game” nâng hạng của khối ngoại kể từ đầu năm 2019 đến nay. Dù khối ngoại quay trở lại bán ròng từ tháng 8 đến nay, nhưng mức tích lũy mua ròng trong 9 tháng đầu năm vẫn đang vượt trội, đặc biệt là Quỹ VFMVN30 ETF và Quỹ VANECK VIETNAM.
Dòng tiền đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng đương nhiên sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm khi Việt Nam được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai, minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây mới là yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.