VN-Index lập đỉnh mới kể từ cuối năm 2022


Với thanh khoản hơn 18.000 tỷ đồng, VN-Index đã chốt tuần (19-23/6) bằng chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, dừng ở ngưỡng cao nhất trong vòng 8 tháng gần đây.

VN-Index chính thức vượt đỉnh cao nhất kể từ tháng 10/2022. Nguồn: Investing.com
VN-Index chính thức vượt đỉnh cao nhất kể từ tháng 10/2022. Nguồn: Investing.com

Trong phiên cuối tuần (ngày 23/6), sự giằng co, cân bằng được thể hiện rõ ràng khiến VN-Index liên tục biến động và chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự mạnh của thị trường. Có giai đoạn, chỉ số quay đầu xuống dưới tham chiếu do lực bán quá mạnh tại nhóm blue-chips, khiến nhà đầu tư hoang mang.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư ngay lập tức ổn định trở lại khi VNM, HPG cùng sự tích cực của các cổ phiếu ngân hàng kéo rổ VN30 lên. Thị trường vì thế cũng nhanh chóng lấy lại nhịp tăng và hồi phục. Bên mua chiếm ưu thế trong phiên hôm nay. Đặc biệt, có tới gần 70 mã tăng trần, chiếm tỷ lệ gần 15% số mã tăng (411 mã tăng) phiên hôm nay.

Nhóm ngành Ngân hàng, ngoài VCB (-0,5%) và CTG (-0,7%) tác động tiêu cực đến thị trường nhiều nhất, còn lại tăng khá đồng đều. Chỉ số chung cả ngành Ngân hàng tăng 0,52%, trong đó phải kể đến sự đóng góp nhiều nhất của VPB, tăng 3,1% tương đương cộng thêm 1 điểm cho VN-Index.

Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khác tăng tốt trên 1% trong phiên hôm nay có: ACB (+1,2%), MBB (+1,5%), NAB (+3,7%), SSB (+2,3%), VBB (+1,9%) và STB, VIB cùng tăng +1%.

Ngành Bảo hiểm cũng tăng khá (+0,54%), với 6/12 mã tăng tốt: BLI (+2,6%), BVH (+2,2%), PRE (+1,8%), ABI (+1,6%), BMI (+1,5%) và MIG (+1,4%).   

Sáng nhất thị trường hôm nay phải nhắc đến VNM (+3,3%), khi xác lập kỷ lục của chính mình với 11,96 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay, cao gấp 3 lần khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này trong 10 phiên giao dịch gần đây.

Tuy nhiên, công lớn cũng thuộc về HPG khi cổ phiếu này tăng 2,2% để giúp VN-Index tăng 1 điểm, là lực kéo chính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng tăng 1,68%. Tính chung cả tuần, HPG tăng 8,3%, đóng góp tới 2,8 điểm cho thị trường.

Trong tuần vừa qua, lực cầu chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu hóa chất và thép giúp cho 2 nhóm này phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trên 5%.

Ở chiều ngược lại, bất động sản (-0,28%) gây khá nhiều thất vọng cho nhà đầu tư mặc dù có không ít mã tăng trần như: LIG (+9,3%), PTL (+6,9%), QCG (+6,9%), LGL (+6,9%)... VHM thì may mắn vẫn giữ được sắc xanh, tăng 0,5% nhờ cầu mua gia tăng trong phiên chiều.

Trái ngược với sự tích cực của dòng tiền khối nội, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trong phiên cuối tuần với thanh khoản 39 tỷ đồng, tập trung bán VPB (-95 tỷ đồng), BIC (-56 tỷ đồng), TPB (-51 tỷ đồng).

Như vậy, sau tuần mua ròng mạnh, khối ngoại lại quay sang bán ròng gần 950 tỷ trên 2 sàn. Nhóm Bất động sản chịu áp lực bán của khối này lớn nhất khi VHM và NVL lần lượt là 2 mã dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt 527 tỷ đồng và 377 tỷ đồng. Chiều mua ròng, khối này ưa thích nhất HPG và mua vào với giá trị 449 tỷ đồng.

Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.129,38 điểm, tăng 14,16 điểm, tương đương với 1.27% so với tuần trước. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp chứng tỏ dòng tiền vẫn đang tìm đến thị trường sau một vài nhịp điều chỉnh.

Thanh khoản hôm nay tiếp tục ở mức cao với tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 21.447 tỷ đồng. Trong những phiên phục hồi, thanh khoản vẫn được duy trì ở mức trung bình 10 phiên cho thấy, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào nhịp tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.

Trong tuần sau khả năng VN-Index vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng và hướng đến các mục tiêu cao hơn. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan. Hệ số P/E hiện tại của VN-Index ở mức 15,4x.

Thông tin tích cực là mặt bằng lãi suất huy động cũng đã giảm 100-130 điểm sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán.