Vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên
Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, để cung ứng nguồn vốn rẻ hơn cho các ngân hàng, có thể thấy rõ lãi suất cho vay ngắn hạn tập trung vào lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lạm phát thấp, thanh khoản dư
Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cho thấy, nhiều điểm nhấn tích cực ở nền kinh tế Việt Nam. Đó là, thị trường được chứng kiến nền kinh tế có 2 tháng CPI âm khi lạm phát tháng 5, tháng 6/2017 đều giảm.
Cũng theo SSI, giá lương thực, thực phẩm và giá xăng cùng giảm là nguyên nhân chính tác động đến việc lạm phát giảm đáng kể trong năm nay. Như vậy, khác với dự báo hồi đầu năm, lạm phát đã tăng chậm lại. Cơ quan quản lý kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ đi sát mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ hồi đầu năm.
Trong 5 phiên liên tiếp, NHNN đã phát hành được tới 37 nghìn tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, đây là lượng tiền lớn phát hành trong một thời gian ngắn. Đặc biệt hơn, lãi suất tín phiếu giảm nhanh sau mỗi phiên phát hành, từ mức 1,3% trong ngày đầu tuần xuống chỉ còn 0,5% vào ngày kết tuần. Mức 0,5% cũng thấp hơn nhiều lãi suất cùng kỳ 2016 là 1,5% - 1,75%. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trong trạng thái rất tốt.
“Thanh khoản dồi dào và lạm phát thấp tạo điều kiện để NHNN giảm lãi suất”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cho biết. Cụ thể, cơ quan điều hành đã giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngắn hạn.
Như vậy, có thể nhận thấy NHNN giảm lãi suất trong bối cảnh lãi suất ổn định ở mặt bằng thấp. Việc giảm lãi suất lần này là một nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, vì theo ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn, lãi suất ưu đãi khoảng từ 4-5%/năm (tùy theo từng đối tượng) là khá hợp lý.
Phục vụ nhóm ưu tiên
Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất hiện vẫn ưu tiên phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vốn đang chịu áp lực về con số tăng trưởng GDP và các đối tượng ưu tiên khó tiếp cận được vốn. Nói điều này để có thể phân biệt được các mức lãi suất áp dụng khác nhau trên thị trường là bình thường và các đối tượng không nên hiểu nhầm về chính sách.
Cụ thể hơn, chính sách lần này là tập trung vào đối tượng ưu tiên. Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, để cung ứng nguồn vốn rẻ hơn cho các ngân hàng, có thể thấy rõ lãi suất cho vay ngắn hạn tập trung vào lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.
Thực tế, ngay sau khi NHNN điều chỉnh chính sách lãi suất, đã có ngân hàng công bố giảm lãi suất tức thời. Ví dụ như BIDV, VPBank, ACB hay Vietcombank... công bố giảm lãi suất từ 0,5%-1% cho những DNNVV, hoặc lĩnh vực kinh doanh ưu tiên (như nông nghiệp công nghệ cao chẳng hạn).
Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, theo đại diện SSI, lãi suất sẽ được giữ ổn định trong quý III và phụ thuộc vào diễn biến lạm phát trong quý IV.
Như đã nói ở trên, các nhà phân tích đã nhận định, ngân hàng hiện nay sẽ phải chịu một áp lực về lãi suất. Báo cáo của SSI cho rằng, mức độ tác động phụ thuộc vào hành động của từng ngân hàng thương mại dựa trên quan điểm kinh doanh của ngân hàng, nhưng một điểm chung là mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay (NIM) của các ngân hàng sẽ chịu thách thức không nhỏ, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay.