Vụ Tài liệu Panama: Cuộc chiến không tiếng súng của Mỹ?

Theo daibieunhandan.vn

Vụ rò rỉ Tài liệu Panama tạm lắng với các biện pháp cấp tập của giới chức thế giới để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, minh bạch hóa hệ thống tài chính quốc tế. Ở khía cạnh chính trị, nhiều ý kiến cho rằng đây là cách Mỹ tiến hành một cuộc chiến không tiếng súng để thâu tóm quyền kiểm soát khu vực Mỹ Latin.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với tựa đề “Đằng sau vụ Tài liệu Panama” trên tờ “El Financiero” (Tài chính) xuất bản tại Mexico City, học giả Raymundo Riva Palacio cho rằng đây là một công trình nghiên cứu báo chí lớn của tập thể hơn 100 cơ quan báo chí thuộc 76 quốc gia đưa ra ánh sáng hơn 140 nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Nhưng về sâu xa, nó phản ánh cả một tình thế địa chính trị. Và theo cách tư duy này, Mexico và Trung Mỹ nằm trong đó. Rõ ràng ở đây Trung Quốc là “mạch thông tin” giữa khu vực Trung Mỹ với nước Nga.

Cách đây hơn một thập kỷ, nước Nga và Trung Quốc đã tiến hành chiến lược mở rộng hiện diện tại Mỹ Latin, nổi bật là việc cấp vốn cho dự án kênh đào xuyên đại dương tại Nicaragua, dự án khổng lồ với chi phí lên tới trên 50 tỷ USD, gồm cả tuyến đường sắt, đường ống dẫn dầu, hai sân bay… tức là một hạ tầng cơ sở lớn đủ sức áp đảo kênh đào Panama. Có thể nói Kênh đào Nicaragua đã biến giấc mơ cũ của người Mỹ thành sự thật nhưng giờ nó là của người Trung Quốc. Trước kia, Mỹ từng định xây dựng ngay trên lãnh thổ Mexico, khu vực vịnh Tehuantepec, Đông Nam Mexico.

Mỹ đã ấp ủ ý định kiểm soát con đường chiến lược này từ thế kỷ XIX và sẵn sàng trả 15 triệu USD (giá trị lúc đó) để mua lại vùng đất nối từ cảng Salina Cruz thuộc bang Oaxaca bên bờ Thái Bình Dương với cảng Coatzacoalcos thuộc bang Veracruz bên Vịnh Mexico nhìn ra Đại Tây Dương. Sau đó 80 năm, Tổng thống Mexico lúc đó là José López Portillo (1976 - 1982) mong muốn thực hiện Dự án Alfa-Omega nhằm nối liền hai bến cảng nói trên với nhau.

Tuy nhiên, vì một số lý do, dự án này không được tiến hành và dưới thời Tổng thống Vicente Fox (2000 - 2006) cũng có nhiều nỗ lực để thực thi dự án trên, nhưng vì chính quyền của một số bang miền Nam Mexico ra sức phản đối, cho rằng nếu thực hiện nó, các bang đói nghèo, chậm phát triển ở miền Nam sẽ mãi nằm trong đói nghèo. Nicaragua là một lựa chọn khác, nhưng con kênh nối đại dương này không nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, mà nằm dưới bàn tay Trung Quốc với đồng vốn của Nga và chính Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cam kết cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự để bảo vệ công trình kênh đào này.

Vì thế, không ngạc nhiên khi Tổng thống Putin là mục tiêu tấn công chính của luồng thông tin rò rỉ trong vụ Tài liệu Panama. Bên cạnh đó là những nhân vật ở Trung Quốc, những người lập công ty tại “Thiên đường thuế Panama”, nơi được coi là “đòn bẩy tài chính” cho kênh đào Nicaragua.

Phản ứng của Mỹ đã được thể hiện tại Mexico thông qua ba dự án lớn mà cho tới nay bị chính phủ của Tổng thống Enrique Pena Nieto tuyên bố hoãn vô thời hạn do sức ép của Washington, gồm Dự án phát triển khu du lịch và hạ tầng cơ sở tại Cabo Pulmo thuộc bang Nam Baja California; Dự án trung tâm thương mại - văn phòng Dragon Mart tại khu du lịch Cancun thuộc bang Quintana Roo, Đông Nam Mexico và Dự án tàu hỏa hành khách từ Mexico City đi Queretaro. Trong dự án cuối cùng, ông Juan Armando Hinojosa, chủ tập đoàn xây dựng Higa hiện là bạn thân của Tổng thống Enrique Pane Nieto, cũng nằm trong danh sách rửa tiền trong Tài liệu Panama.

Bà Diana Villiers Negroponte, vợ của cựu Đại sứ uy tín của Mỹ John Negroponte và là chuyên gia nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh, đã cảnh báo về sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại Mỹ Latin trong một bài viết đăng trên tạp chí Americas Quarterly vào tháng 12.2015. Trong bài viết có đoạn: “Soạn thảo và áp đặt hình phạt đối với ngành ngân hàng Nga có thể khiến cho các tổ chức tài chính ở phía Nam và Trung Mỹ do dự trong việc thành lập các công ty liên doanh với Nga, vì họ sợ nằm trong diện bị trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ”. Liên quan đến công trình kênh đào Nicaragua, bà Diana Villiers Negroponte cho rằng công trình mới này sẽ phủ bóng lên kênh đào Panama, đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với sự bá quyền của Mỹ tại Mỹ Latin và giúp Trung Quốc có một căn cứ quân sự mạnh gần kề nước Mỹ.

Vụ Tài liệu Panama có lợi cho Mỹ thông qua việc đưa đối thủ của Washington vào thế phòng thủ và buộc các đồng minh của Mỹ nên suy nghĩ, cân nhắc lại mọi thứ. Trong cuộc chiến nhằm nắm quyền kiểm soát khu vực Mỹ Latin, Mỹ không cần dùng bom đạn, nhưng nó cũng không kém phần khốc liệt.