Vững tâm vượt qua đại dịch
Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người “mắc kẹt” trong cuộc sống của mình, đảo lộn những thói quen sinh hoạt bình thường nhất. Mọi người tiếp nhận thông tin về dịch bệnh hàng ngày, len lỏi theo bao nỗi lo về công việc, thu nhập, sự an toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng… Điều đáng trân trọng, trong những lúc khó khăn, nghĩa đồng bào và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người Việt được khơi dậy mạnh mẽ, trao nhau những món quà từ vật chất đến tinh thần, cùng tin tưởng sẽ sớm trở lại nhịp sống bình thường.
Suy nghĩ tích cực
Khi trong tỉnh xuất hiện các ca bệnh từ TP. Hồ Chí Minh trở về, không kể những trường hợp kém ý thức, khai báo y tế không trung thực, những người hồi hương vì không còn cách nào khác trụ lại thành phố cũng bị trách móc từ một số người dân.
Anh Lê Văn Tuấn (đang ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Nói đâu xa, người dân ở xóm tôi cũng dè dặt, lo ngại khi nghe tin ai đó từ thành phố về đến địa phận quê nhà. Xin hãy đặt trong hoàn cảnh là thân nhân để cảm thông nhau.
Gần 1 năm nay, tôi chưa được về quê An Giang, may mắn vẫn còn công việc để đảm bảo bữa ăn, chỗ ở hàng ngày. Nhưng còn rất đông lao động tự do, “tay làm hàm nhai” lệ thuộc từng đồng tiền kiếm ra hàng ngày. Khi công ty, cơ sở đóng cửa, họ chỉ còn cách về quê trú tạm trong thời gian này. Tôi hiểu mọi người lo sợ dịch bệnh, nhưng chúng tôi ở đây cũng vậy, không ai muốn COVID-19 “gọi tên” mình”.
Một phản ứng khác của người dân là tích trữ hàng hóa trong thời gian chống dịch đi kèm với các thông tin đồn thổi: chặn hết cửa ngõ, ngăn sông cấm chợ, ở ngay vựa lúa của cả nước nhưng lo thiếu gạo ăn!? Trước những tin đồn râm ran không có căn cứ về hẻm nọ có ca dương tính, xã kia có người trốn cách ly, chi bằng chia sẻ những điều lạc quan, thông tin tích cực, góp nút “share” (chia sẻ) khi cần thông báo, tìm kiếm người liên quan…
Trong thời gian cao điểm chống dịch, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã tận dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin, thông điệp tích cực. Đó là những tin tức chính thống về tình hình dịch bệnh trong nước, trong tỉnh, ở địa phương; là nghĩa tình đồng bào đùm bọc nhau trong giai đoạn khó khăn; là những lời kêu gọi chung sức, đồng lòng để cả cộng đồng đóng góp tham gia chống dịch.
Đó còn là những lời chia sẻ dành cho người dân trong giai đoạn này: ở trong nhà ngột ngạt, nhưng vẫn tốt hơn ra ngoài, khi ai cũng có thể trở thành F0, F1… cảm giác tù túng một vài ngày dù sao vẫn ổn hơn hàng ngàn người đang ngày ngày dốc toàn sức lực để chống dịch dưới trời nắng gắt, dưới cơn mưa tầm tã, bữa ăn và giấc ngủ vội vàng. Hãy cảm ơn và trân trọng những điều đó!
Chung sức đẩy lùi dịch bệnh
Những ngày qua, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sát cánh, đồng hành với địa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tấm lòng và việc làm ý nghĩa trong lúc này để san sẻ khó khăn và lan tỏa, nhân lên trách nhiệm trong cộng đồng xã hội. Cán bộ, đoàn viên nhiều nơi tự nguyện đến “tiếp sức” ở các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, khu cách ly tập trung, hàng ngày phục vụ bữa ăn, thay phiên trực, làm dụng cụ bảo hộ, quyên góp thực phẩm.
Ngoài cộng đồng, khi chưa áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông sản, hàng hóa thiết yếu “0 đồng” đã được hình thành để san sẻ với người nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cách làm tương tự được nhân rộng nhanh chóng trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội ở từng huyện, từng xã dưới nhiều tên gọi khác nhau, linh hoạt từ cung cấp tại chỗ sang vận chuyển xe đến trao từng nhà.
Người “mua” có thể lấy được những món họ cần, còn người “bán” thu lãi bằng lời cảm ơn và những nụ cười ấm lòng. Dù đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đồng hành với chính quyền địa phương, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình để hỗ trợ thực phẩm, thiết bị y tế… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các hoạt động hỗ trợ khác, như: cây “ATM gạo”, “Hủ gạo tình thương”, “Cơm 2.000 đồng”, “Cơm miễn phí”… được nhiều nơi “kích hoạt trở lại”, tiếp tục nhân rộng, lan tỏa nhằm giúp đỡ hộ nghèo, người già neo đơn, người bệnh tật, không để cuộc sống bị gián đoạn vì dịch bệnh, “khó khăn chồng chất khó khăn”.
Song hành với việc làm ý nghĩa này là hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân khi đầu ra đang gặp khó. Ngoài hỗ trợ trong tỉnh, hàng chục “Chuyến xe yêu thương” từ các cơ quan đến tổ chức từ thiện trong tỉnh lần lượt góp hàng hóa, thực phẩm hướng về TP. Hồ Chí Minh trong thời điểm này.
Sau 2 tuần khai trương, “Quán cơm 2.000 đồng” nhóm thiện nguyện của chị Lê Hồng Hoa (TP. Long Xuyên) chuyển sang thu mua nông sản giúp nông dân. Chị Hoa cho biết, ngoài phục vụ nấu các suất ăn tại chỗ, khoảng 20 tấn nông sản và gạo đã được gửi tặng TP. Hồ Chí Minh thông qua các nhóm thiện nguyện tại đây.
Còn gia đình anh Nguyễn Phước Minh (huyện Phú Tân) đã quyết định tặng hết vườn nhãn đang vào vụ thu hoạch cho các đoàn từ thiện gửi đến các chốt kiểm soát dịch bệnh. “Không giúp nhau lúc này thì đợi lúc nào nữa. Bán rẻ chịu lỗ vốn, thôi thì tặng công sức lao động của mình cho cộng đồng, bà con đang gặp khó khăn” - anh Minh cho biết.
Giữa lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng, những nghĩa cử và câu chuyện đẹp “thời COVID-19” vẫn không ngừng lan tỏa, truyền đi thông điệp tích cực để mọi người vững tâm. Người góp của, góp sức và góp cả ý thức, trách nhiệm để hun đúc tinh thần đồng lòng chống “giặc dịch” COVID-19.