Tổng cục Hải quan giải đáp:
Vướng mắc về lựa chọn kiểm tra trị giá hải quan
(Taichinh) - Cục Hải quan Hải Phòng phản ánh, trong quá trình triển khai Thông tư 38/2015/TT-BTC, đơn vị đã gặp một số vướng mắc về lựa chọn kiểm tra trị giá hải quan và trường hợp bác bỏ trị giá khai báo.
Lựa chọn kiểm tra trị giá hải quan
Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định: “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa có đủ cơ sở bác bỏ là trường hợp trị giá khai báo thấp hơn thông tin rủi ro về trị giá tại cơ sở dữ liệu giá theo quy định của Tổng cục Hải quan”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 21 Thông tư 39/2015/TT-BTC lại quy định: “cơ sở dữ liệu giá là thông tin liên quan đến xác định trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan được Tổng cục Hải quan xây dựng tập trung, thống nhất và thường xuyên cập nhật. Bao gồm: a) Hệ thống quản lý dữ liệu giá hải quan; b) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo”.
Theo Hải quan Hải Phòng, quy định trên được hiểu là trong quá trình kiểm tra, xác định trị giá hải quan tại cửa khẩu phải kiểm tra đối với tất cả hàng hóa nằm trong hệ thống quản lý giá GTT02 và Danh mục hàng hóa XK, NK rủi ro về trị giá. Như vậy khối lượng công việc cần thực hiện là quá lớn, hải quan địa phương không đảm bảo yêu cầu về quản lý rủi ro trong lĩnh vực trị giá (gần như 100% tờ khai phát sinh thuộc trường hợp phải kiểm tra hồ sơ đều phải kiểm tra về trị giá). Điều này sẽ dẫn đến không đảm bảo về thời gian thông quan hàng hóa mà ngành Hải quan đang phấn đấu thực hiện.
Trước vướng mắc này, Hải quan Hải Phòng đề xuất, việc kiểm tra trị giá hải quan chỉ thực hiện đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa XK, NK rủi ro về giá do Tổng cục Hải quan ban hành. Các mặt hàng không thuộc Danh mục hàng hóa XK, NK rủi ro về giá do lực lượng kiểm tra sau thông quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra theo quản lý rủi ro.
Không xử phạt một số trường hợp bác bỏ trị giá
Bên cạnh đó, Hải quan Hải Phòng phản ánh, đơn vị cũng gặp vướng mắc về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp khai sửa đổi bổ sung sau tham vấn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định: “trường hợp người khai hải quan nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan Hải quan về tên hàng, mã số, xuất xứ, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan của hàng hóa thì thực hiện việc khai bổ sung các nội dung theo yêu cầu của cơ quan Hải quan và xử lý theo quy định pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc quy định của pháp luật liên quan”. Điều này đã được quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, Hải quan Hải Phòng phát hiện một số cơ sở bác bỏ khác ngoài quy định tại điểm g.1 khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC, như: cơ quan Hải quan phát hiện các mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ; người khai hải quan không giải trình, không chứng minh được hoặc giải trình, chứng minh thiếu thuyết phục, không có căn cứ về nghi vấn của cơ quan Hải quan; thông tin mà người khai hải quan cung cấp sau khi đã kiểm tra là không chính xác, chứng cứ tài liệu cung cấp là giả mạo hoặc chứng từ không hợp pháp… Sau tham vấn, DN thống nhất với cơ sở bác bỏ của hải quan, đồng ý nộp thuế theo trị giá hải quan xác định. Vậy đối với các trường hợp này, cơ quan Hải quan có được bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá hải quan hay không, trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá hải quan thì có bị xử phạt hành chính hay không?
Bởi theo Hải quan Hải Phòng, nếu thực hiện xử phạt hành vi này sẽ có trường hợp những DN NK kim ngạch lớn, thuế suất cao và mức giá khai báo của những lô hàng sau thường thấp hơn lô hàng trước; hoặc thấp hơn mức giá kiểm tra tại Danh mục quản lý rủi ro về giá của Tổng cục Hải quan. Như vậy, sẽ dẫn đến nhiều trường hợp DN bị xử phạt nhiều lần trong một năm đối với cùng một hành vi.
Theo đó, Hải quan Hải Phòng đã đưa ra đề xuất, đối với các trường hợp cơ quan Hải quan có căn cứ bác bỏ ngoài quy định tại điểm g.1 khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì bác bỏ trị giá khai báo nhưng không xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, đối với các trường hợp người khai hải quan sửa đổi, bổ sung sau tham vấn tại cấp Cục thì DN khai bổ sung, chi cục nơi đăng ký tờ khai sẽ thực hiện ấn định thuế. Do đó, thời điểm này mới biết chính xác số thuế chênh lệch mà DN phải nộp bổ sung trên cơ sở đó để xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Hải quan Hải Phòng đề nghị, Tổng cục Hải quan hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện lập biên bản vi phạm và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp khai sửa đổi, bổ sung sau tham vấn.