Vượt bão COVID-19: Doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Theo N. Thoan/nhadautu.vn

Ví COVID-19 như "thiên nga đen" với doanh nghiệp Việt, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp cần xác định quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng là bài toán lâu dài, giống như sống chung với dịch bệnh; cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức trong quản trị doanh nghiệp thời gian tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Ngày 8/9, Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức toạ đàm "Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” nhằm tìm những giải pháp sáng tạo, chưa từng có hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức từ dịch bệnh và sống chung với COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đại dịch COVID-19 như phép thử với toàn xã hội nhưng là một bài thi khó, vừa là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại mình từ đó có chiến lược phát triển bền vững hơn.

Ông Dũng cho biết, trong 2 tháng vừa qua, chỉ có 20% doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh duy trì hoạt động. Ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất thì phần lớn doanh nghiệp đều tạm dùng hoạt động. Ngay cả trong khu chế xuất, khu công nghiệp thì tỷ lệ hoạt động cũng chỉ duy trì 18%. Điều này cho thấy những khó khăn, thách thức thành phố đang và sẽ phải đối mặt là rất lớn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính ở thời điểm hiện tại, chưa bao giờ sự gắn kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và nhà nước lại sâu sắc đến thế để cùng phòng chống dịch, sau đó là tìm giải pháp phục hồi kinh tế, xã hội.

"Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, doanh nghiệp sẵn sàng dành nhà xưởng, mặt bằng cho xây dựng bệnh viện dã chiến; gần như cống hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước chống dịch, không khác gì thời chiến. Rất mong rằng, khi quay lại phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cũng nhận được sự đồng hành của chính quyền, nhân dân trên mặt trận kinh tế. Hy vọng các cấp chính quyền đều thấm nhuần tư tưởng của Thủ tướng rằng "lợi nhuận cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ" để cùng đồng hành với doanh nghiệp, tin tưởng doanh nghiệp để phục hồi và phát triển", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Dũng cho biết, doanh nghiệp mong mỏi các cơ quan hành chính tin doanh nghiệp, bỏ tư duy giấy tờ, tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng trở lại. 

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết, trong một khảo sát mới đây của FPT với 21.000 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực và địa phương khác nhau cho thấy, có tới 75% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh. Trong đó, 50% doanh nghiệp không ước tính được phải tạm ngừng hoạt động đến khi nào. 31% doanh nghiệp trong số doanh nghiệp duy trì hoạt động phải cắt giảm lao động dưới các hình thức cắt giảm nhận sự, giảm lương và giảm giờ làm.

"Khảo sát trên cho thấy, tình hình thực tế đang rất tệ, hàng triệu công nhân ở cách tỉnh đang giãn cách không có việc làm, không thể về quê vì quy định giãn cách", ông Tiến nói.

Doanh nghiệp Việt làm gì để vượt "Thiên nga đen"?

Chia sẻ kết quả những khảo sát mà Delotte đã thực hiện, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết: Qua 20 tháng chống chịu với dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng lớn nhất là từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy cung cầu, đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có tác dụng đẩy nhanh quá trình thay đổi phương thức kinh doanh, tăng tốc chuyển đổi số; tạo sự đồng thuận của nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số.

"COVID-19 được ví như một sự kiện "thiên nga đen", là khủng hoảng doanh nghiệp chưa từng thấy, chưa có tiền lệ nên hầu hết các doanh nghiệp đề tỏ ra lúng túng. Đặc biệt với doanh nghiệp Việt Nam việc quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng còn khá tự phát, chưa xây dựng được cơ chế quản trị rủi ro theo phương pháp luận thì càng bố rối và chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài", bà Thanh nói.

Vì vậy, Chủ tịch Deloitte khuyến cáo: Với bài học từ COVID-19, doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng trong dài hạn.

"Chúng ta đã xác định phải sống chung với đại dịch, cuộc chiến này là lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để hướng tới phát triển bền vững để kiểm soát hiệu quả các sự cố để giảm thiệt hại một cách tốt nhất; Nhanh chóng khôi phụ và bảo vệ hạ tầng về công nghệ thông tin; Phản ứng lại các mối nguy động để bảo vệ, duy trì giá trị và thương hiệu doanh nghiệp", bà Thanh chia sẻ.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải nhận diện được rủi ro; xây dựng mức độ chấp nhận rủi ro; quản trị rủi ro. Cần có kế hoạch đối phó với khủng hoảng; Phân tích giả lập khủng hoảng...

Khuyến cáo những việc doanh nghiệp Việt cần làm trong thời gian này, bà Thanh cho biết: Trước tiên doanh nghiệp cần duy trì được nguồn lực tài chính bằng cách cân đối dòng tiền, xây dựng quy trình, chính sách và cơ chế giám sát ngân quỹ; minh bạch tài chính. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng khung quản lý khủng hoảng, lập kế hoạch kinh doanh liên tục để thích ứng, duy trì hoạt động; tự động hoá, số hoá quy trình, tác vụ. Tăng cường áp dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm "sống chung với dịch" của doanh nghiệp, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: Ngay từ đầu mùa dịch ngân hàng đã thực hiện có trách nhiệm yêu cầu của cơ quan quản lý và  xây dựng kịch bản phòng chống dịch trên từng chi nhánh, phòng giao dịch, thực hiện luân phiên 1 nửa nhân viên làm việc ở nhà, 1 nửa trên trụ sở.

"Thời điểm dịch, khi công việc ít đi, chúng tôi tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân sự, tăng cường kết nối giữa khách hàng và nhân viên qua các ứng dụng công nghệ, chọn lọc khách hàng tốt hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số. Năm 2020, ngân hàng đã tăng 15% tổng giao dịch online so với năm 2019 giúp giảm chi phí vận hành; cân đối lại doanh thu, tăng thu nhập ngoài tín dụng từ phí bán bảo hiểm và tìm ngồn vốn rẻ hơn qua phát hành trái phiếu, vay của các tổ chức tài chính nước ngoài. Ngoài ra, việc tăng cường quan hệ đối tác, lãnh đạo, nhân viên qua kênh online giúp tiết giảm nhiều chi phí", ông Huy nói.

GS.TS Nguyễn Đức Khương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: Doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.

Cơ hội từ thị trường mới do Việt Nam tạo được lòng tin chiến lược quan trọng với hầu hết các quốc gia, là đầu mối quan trọng cho nhiều hiệp định tự do thương mại (EU-VN FTA, RCEP, CPTPP,...); Dòng dịch chuyển sản xuất và đầu tư đến Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, nền kinh tế mở.

"Ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh", ông Khương nhấn mạnh.