Hội nghị tổng kết công tác tài chính - Ngân sách Nhà nước năm 2014:

Vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước

MT.

(Tài chính) Sáng ngày 24/12/2014, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (TC-NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ TC - NSNN năm 2015. Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các bộ ngành; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại 58 điểm cầu trong cả nước; đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng(thứ hai từ trái qua) chủ trì hội nghị. Nguồn: Baohaiquan.vn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng(thứ hai từ trái qua) chủ trì hội nghị. Nguồn: Baohaiquan.vn

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2014

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày tại Hội nghị, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp, công tác tài chính - NSNN năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể trên các mặt chủ yếu như sau:

Toàn ngành Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Theo đó, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX-KD theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong điều hành, bám sát tình hình thực hiện, đã chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung một số giải pháp, chính sách về thuế nhằm thúc đẩy SX-KD, phát triển doanh nghiệp; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển nước ta, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm quay lại hoạt động bình thường, qua đó tạo lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; khẩn trương hướng dẫn tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong năm 2014, công tác thu, chi NSNN đã được điều hành quyết liệt; phấn đấu tăng thu; quản lý chi  chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cụ thể, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương; tăng cường quản lý thu, chống thất thu; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế; tập trung xử lý nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT, hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Trong điều hành, đã đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra; bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác huy động vốn được triển khai quyết liệt, nhờ đó đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN. Khối lượng TPCP phát hành tăng 39%, kỳ hạn dài hơn.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế. Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ. Trong điều hành, đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán; thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công; đảm bảo các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn cho phép. Tăng cường quản lý chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương. Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc địa phương phát hành trái phiếu để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH. Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, nâng mức trần dư nợ huy động vốn cho một số địa phương trọng điểm thu.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng đã được toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện và phối hợp thực hiện trong năm 2014, đó là: Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát; Tái cơ cấu nền kinh tế (Tái cơ cấu đầu tư công;tái cấu trúc thị trường tài chính và tái cơ cấu DNNN);Đảm bảo an sinh xã hội;Công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách.

Riêng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế: đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính;  đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế . Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương.

Dấu ấn nỗ lực từ địa phương

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Năm 2014, TP. Hà Nội triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, đôn đốc thu NSNN trên địa bàn như tăng cường quản lý các khoản thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại và hàng giả; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện phân loại và phân tích nguyên nhân nợ để có giải pháp xử lý phù hợp và kịp thời; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về thuế... Thu NSNN đạt 130.100 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán Trung ương giao. Nếu loại trừ các yếu tố khách quan (khoản chênh lệch thu chi ngân hàng dự toán năm 2014 giao 10.000 tỷ nhưng dự kiến không phát sinh), các chỉ tiêu thu của thành phố đều đạt và vượt cao so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN được triển khai thường xuyên. Cả năm, tổng số tiền giảm, gia hạn các khoản thu từ đất là 6.269 tỷ đồng; gia hạn tiền thuế là 172 tỷ đồng; xóa nợ thuế là 16 tỷ đồng...

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2015, địa phương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách. Bên cạnh đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho phép giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2011-2012 đối với hộ gia đình, cá nhân thuê đất; giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2011 đối với tổ chức kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét có những cơ chế hỗ trợ hoặc xóa nợ đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn như: người thuê đất ngừng kinh doanh, bỏ địa điểm kinh doanh, giải thể, DN thua lỗ nhiều năm liên tục...

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu: Với tinh thần tập trung trách nhiệm, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2015, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ KT-XH 5 năm 2011-2015. Một số giải pháp TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường, thị phần trong và ngoài nước, qua đó tạo ra những sản phẩm cung ứng cho xã hội, giải quyết lao động, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường các giải pháp khai thác, quản lý nguồn thu, trong đó thanh tra, kiểm tra tập trung theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, tăng cường công tác thu nợ, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế để tiết giảm tối đa chi phí và thời gian kê khai thuế của DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu Nhà nước qua đó khai thác thêm nguồn lực từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho chi đầu tư trên địa bàn thành phố.

Nhóm giải pháp thứ tư là tăng cường huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, khuyến khích, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư thông qua các phương thức BT, BOT, BTO, PPP...trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Trong công tác chi ngân sách sẽ điều hành theo đúng dự toán chi ngân sách, đúng tiêu chuẩn, chế độ, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, giám sát chặt chẽ, xử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư thường xuyên rà soát xử lý các khoản tạm ứng ngân sách...