Xác định đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Nhằm giải đáp những vướng mắc của độc giả Trần Anh Tuấn (Hà Nội) về việc xác định đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hướng dẫn chi tiết nội dung này tại Công văn số 47761/CT-TTHT ngày 14/7/2017.
Theo đó, căn cứ khoản 4 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khấu trừ thuế giá trị gia tang (GTGT) trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.
Căn cứ khoản 1 Điều 1 và tiết a khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Về đối tượng không chịu thuế quy định cụ thể gồm:
Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm trồng rừng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế bán thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu:
Tại khoản 9 Điều 1 quy định: Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
Căn cứ quy định trên và nội dung hỏi của độc giả, Cục Thuế TP. Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Công ty của độc giả là đơn vị trực tiếp nuôi heo sau đó bán heo cho người dân trực tiếp sử dụng tiêu dùng thì khi bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào phục vụ cho hoạt động không chịu thuế GTGT thì công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.
Trường hợp, Công ty có hoạt động thuê các đơn vị gia công thịt heo cho công ty để sản xuất ruốc thịt, sản xuất xúc xích thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì công ty được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn thuê gia công theo quy định.
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì công ty chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Công ty của độc giả phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ.
Trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC nêu trên.
Đối với trường hợp công ty có tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC.