Xác định mã HS và biểu thuế chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2015, một số doanh nghiệp (DN) đã có kiến nghị với Tổng cục Hải quan về nội dung liên quan đến xác định mã HS và biểu thuế; thực hiện các quy định về tham vấn giá; các kiến nghị về chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu...
Những nội dung này đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời cụ thể, kịp thời cho DN. Tapchitaichinh.vn tổng hợp các giải đáp kiến nghị của Tổng cục Hải quan.
Về việc xác định mã HS và biểu thuế
Một số DN cho rằng, việc xác định mã HS và biểu thuế vẫn còn tình trạng một số mặt hàng về các cửa khẩu khác nhau áp mã HS khác nhau gây bức xúc cho doanh nghiệp. Việc tuyên truyền phổ biến biểu thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp chưa kịp thời và toàn diện.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực để khắc phục tình trạng một mặt hàng về các cửa khẩu khác nhau, các Chi cục Hải quan áp mã HS khác nhau bằng các giải pháp như: xây dựng Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế để dùng chung xuyên suốt từ các cấp: Chi cục, Cục và Tổng cục trên phạm vi toàn ngành; thay đổi thẩm quyền ban hành kết quả phân loại đối với các hàng hóa phải phân tích (hiện nay, Tổng cục Hải quan thống nhất ban hành kết quả phân loại thay cho các chi nhánh Trung tâm tự ban hành kết quả phân tích phân loại trước đây).
Do đó, việc áp mã HS khác nhau giữa các Chi cục cũng được giảm dần xong vẫn chưa khắc phục được triệt để. Tổng cục Hải quan ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp để tiếp tục tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Các Biểu thuế khi ban hành đều được đưa lên trang web của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Trên trang web của Tổng cục Hải quan cũng có phần tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu, nội dung này cũng được cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi.
Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh thành phố cũng có tổ chức các buổi tập huấn về phân loại và áp dụng mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các buổi tập huấn này chưa được thường xuyên, do đó, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp để tuyên truyền tốt hơn nữa việc áp dụng các mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Về thực hiện quy định tham vấn giá
Một số DN cho rằng hiện nay việc tham vấn giá được thực hiện chưa đúng quy định, gây khó khăn cho hoạt động của DN.
Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ, người khai hải quan được quyền lựa chọn đề nghị tham vấn hoặc không đề nghị tham vấn. Trường hợp hàng hóa không đề nghị tham vấn, cơ quan Hải quan thực hiện chuyển nghi vấn và kiểm tra sau thông quan theo quy định.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan có quyền đề nghị cơ quan Hải quan tham vấn một lần để tránh việc một mặt hàng phải tham vấn nhiều lần theo phản ánh nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b nêu trên.
Về chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu
Về các kiến nghị của DN liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu, Tổng cục Hải quan giải đáp như sau:
- Đối với phản ánh chữ ký trên C/O không được cập nhật kịp thời: Tổng cục Hải quan khẳng định mẫu dấu, chữ ký trên C/O luôn được thông báo tới Hải quan địa phương ngay khi nhận được thông báo của đầu mối phía Bộ Công Thương hoặc Ban Thư ký ASEAN.
- Đối với phản ánh C/O mẫu D về chậm hơn hàng hóa: việc này phụ thuộc vào cơ quan cấp C/O ở nước ngoài và việc chuyển chứng từ giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.
Về thời gian xác minh: được thực hiện theo quy định tại các Hiệp định và các Thông tư tương ứng, thông thường là 90 ngày kể từ ngày cơ quan cấp C/O của nước xuất khẩu nhận được yêu cầu xác minh từ phía Tổng cục Hải quan. Do đó, thời gian xác minh nhanh hay chậm phụ thuộc vào phía cơ quan cấp C/O, không phải từ phía cơ quan Hải quan. Quá thời hạn nêu trên, cơ quan Hải quan có quyền từ chối C/O.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, cơ quan Hải quan thường áp dụng thời hạn là 180 ngày (bao gồm cả khoảng thời gian quy định đối với việc xác minh tại nước xuất khẩu) trước khi tiến hành từ chối C/O.
Việc doanh nghiệp phải nộp thuế cao (thuế ưu đãi MFN hoặc thuế nhập khẩu thông thường) khi chờ kết quả xác minh: Theo quy định tại các Hiệp định và Luật Hải quan thì trong khi chờ kết quả xác minh C/O thì hàng hóa phải áp dụng thuế suất MFN.
Cơ quan Hải quan có thẩm quyền kiểm tra trước, trong và sau thông quan theo quy định tại Luật Hải quan. Trường hợp có vướng mắc về kết quả kiểm tra C/O giữa các bộ phận có liên quan đề nghị gửi công văn về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn, giải quyết.