Xây dựng cơ chế trong kiểm soát thương mại chiến lược
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo lần 2 Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược.

Cam kết trách nhiệm của thương nhân về kiểm soát thương mại chiến lược
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương và 18 Điều, quy định việc quản lý xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Nghị định không áp dụng đối với việc xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nghị định quy định, hàng hóa lưỡng dụng là các mặt hàng, phần mềm và công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự hoặc liên quan đến phát triển, sản xuất, xử lý, vận hành, bảo trì, lưu trữ, phát hiện, nhận dạng hoặc phát tán vũ khí hủy diệt hàng loạt hay phương tiện vận chuyển của chúng.
Thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và phê duyệt khai báo hàng hoá lưỡng dụng được quy định kèm theo Nghị định. Các Bộ theo phân công trao đổi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa lưỡng dụng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ kèm theo mã hàng và đặc điểm kỹ thuật, công nghệ của hàng hóa.
Hàng hóa lưỡng dụng ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này phải thực hiện quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, thương nhân chỉ được thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển sau khi thực hiện khai báo và được Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định cũng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ. Theo đó, Chương trình tuân thủ nội bộ là tập hợp bộ quy trình được thương nhân tham gia vào hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng xây dựng để tổ chức thực hiện bắt buộc trong nội bộ thương nhân nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới hoạt động kiểm soát thương mại chiến lược.
Nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Để đảm bảo các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế.
Tại cuộc họp của Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Đồng thời, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.