Tỉnh Bạc Liêu:

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh trong tình hình mới

Theo Tú Anh/Báo Bạc Liêu

Xác định doanh nghiệp là động lực đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, trong những năm qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, luôn nêu cao khẩu hiệu “Việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho các cơ quan quản lý nhà nước”.

Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tặng quà cho chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tặng quà cho chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T

Nhiều đóng góp tích cực

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản và tập trung vào các vấn đề trọng tâm mà doanh nghiệp quan tâm. Đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh gắn với thực hiện Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy. Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân hiểu, ủng hộ các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển ổn định của doanh nghiệp và của Tỉnh. Qua đó, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội để thực hiện tốt sự phối - kết hợp cho công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án…

Với sự quan tâm lãnh đạo ấy đã kịp thời cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, nhà đầu tư thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh và an tâm mở rộng đầu tư, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và hình thành nên những doanh nghiệp đầu đàn trong phát triển nhiều lĩnh vực thế mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, ngoài Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, còn xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tiêu biểu khác đã khẳng định được tiềm lực tài chính và năng lực quản trị trong điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án động lực của tỉnh.

Đơn cử, Dự án Điện gió Đông Hải 1 của Công ty Cổ phần Bắc Phương (được chia làm 2 giai đoạn) có tổng công suất 100MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng đã hoàn thành vượt thời gian và đưa vào khai thác từ ngày 30/8/2021. Dự án này sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 340 triệu kWh, đặc biệt là đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 60 tỷ đồng/năm.

Hay trong lĩnh vực thủy sản, ngoài doanh nghiệp đầu tàu là Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, còn có nhiều doanh nghiệp tiêu biểu khác như: Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Thái Minh Long… Hoặc trong sản xuất - kinh doanh năng động và có nhiều đóng góp cho ngân sách như: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Xăng dầu - Dầu khí Bạc Liêu...

Nhiều doanh nghiệp có quy mô khá lớn đã thu hút lao động, giải quyết nhiều việc làm và góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như: Công ty TNHH May mặc Pinetree - Hàn Quốc, Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu, Công ty Lương thực Vĩnh Lộc...

Ngoài các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, Bạc Liêu còn thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh trong nhiều lĩnh vực (điện khí, du lịch, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao) với các doanh nghiệp tiêu biểu như: Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte, Vingroup, FLC, CT Group, Central Group, Nguyễn Kim...

Có thể nói, các doanh nghiệp trên địa bàn ngoài đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, còn tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội và các chương trình hành động lớn của tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu, ngoài việc dẫn đầu tỉnh về đóng góp cho ngân sách, còn tổ chức hỗ trợ cho người bán vé số, ủng hộ các tuyến đầu chống dịch COVID-19 và xây dựng nhà nghĩa, tình thương gần 20 tỷ đồng.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Để phát huy vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân, từ năm 2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này và hoàn thành kế hoạch thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm, Bạc Liêu sẽ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gắn với “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt là chủ động lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp để tiếp cận, tìm hiểu, giải đáp, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Song song đó, tập trung hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh và có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nâng cao trình độ quản lý sản xuất - kinh doanh và giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Đặc biệt là tập trung nâng cao chỉ số PCI gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm và kiên quyết không phát sinh chi phí không chính thức gắn với hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đổi mới cách thức quản lý và thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp. Công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...