Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng và hiệu quả
Theo các chuyên gia, cải cách hệ thống chính sách thuế là một việc làm cần thiết của Chính phủ nhằm đưa hệ thống thuế tương thích với thông lệ quốc tế và điều chỉnh thuế phù hợp với những thay đổi căn bản trong từng giai đoạn thực tiễn của nền kinh tế.
Hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả
Trong những năm qua, ngành Thuế đã xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 cần khẩn trương nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị có liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung triển khai thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030) nhằm đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề để ngành Thuế triển khai thắng lợi toàn bộ Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Dự kiến, Chiến lược phát triển Hệ thống thuế giai đoạn mới này đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.
Mục tiêu và định hướng chính sách thuế giai đoạn 2021-2030
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030, Bộ Tài chính xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 theo hướng sửa đổi, bổ sung các sắc thuế kết hợp với việc mở rộng cơ sở thuế nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, đơn giản, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bao quát được các khoản thu phát sinh trong nền kinh tế.
Các sắc thuế sẽ có những điều chỉnh nhưng phạm vi tác động đến thu ngân sách nhà nước không quá lớn, tỷ lệ thu từ các sắc thuế trực thu theo xu hướng giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm; Thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do thực hiện các Hiệp định thương mại và tập trung cải thiện số thu từ các sắc thuế gián thu khác. Cụ thể:
- Đối với thuế giá trị gia tăng: Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; nâng mức thuế suất 5% lên theo lộ trình mỗi năm tăng 1% từ ngày 1/1/2023 trở đi; tiến tới áp dụng cơ bản một mức thuế suất thống nhất là 10%; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế và cho phép người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng được lựa chọn mức thuế trên doanh thu (2% hoặc 3%) hoặc nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nếu người nộp thuế chứng minh được với cơ quan thuế là sổ sách kế toán đạt yêu cầu. Sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ, hoàn thuế theo hướng tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cho người nộp thuế, đồng thời hạn chế gian lận tiền hoàn thuế, khấu trừ thuế không đúng quy định.
- Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội cũng như định hướng của nhà nước; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia rượu, để hạn chế sản xuất tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát nghiên cứu điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
- Đối với thuế xuất - nhập khẩu: Tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu từ 32 mức xuống còn 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030; Rà soát quy định về hàng hoá xuất khẩu tại chỗ và các hoạt động trong khu phi thuế quan để đưa ra chính sách phù hợp, tránh gian lận thương mại; Rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa của sản phẩm xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến; Có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp phụ trợ; Rà soát chính sách ưu đãi về miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Rà soát để loại bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai. Ban hành quy định về vốn mỏng dựa trên một tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu; chế độ khấu hao tài sản cố định được đơn giản hoá dựa trên cơ sở chia nhóm tài sản cố định và tính theo tỷ lệ % đối với nhóm đó. Mở rộng cơ sở thuế phù hợp thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu.
- Đối với thuế thu nhập cá nhân: Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng mức thuế suất, tỷ lệ thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng cơ sở thuế phù hợp thông lệ quốc tế đối với các khoản thu của cá nhân (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh số hoá, thương mại điện tử, xác định giá tính thuế theo đúng với bản chất kinh tế...); Đơn giản trong xác định thu nhập chịu thuế, quyết toán thuế để tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế; Ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế.
- Đối với thuế tài nguyên: Nghiên cứu sửa đổi quy định giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; Sửa đổi nguyên tắc khai, nộp đối với thuế tài nguyên; Sửa đổi khung và mức thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thực tế, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.
- Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản: Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến tài sản theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và thu thuế đối với nhà và một số tài sản khác nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất, tài sản có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định số thuế phải nộp.
- Đối với thuế bảo vệ môi trường: Mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; Điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.
- Đối với phí và lệ phí, khoản thu hoặc thuế đối với các hoạt động, hình thức kinh doanh mới và thu khác ngân sách nhà nước: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí, lệ phí từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện lộ trình tăng mức thu phí nhằm từng bước tính đủ chi phí trong mức thu phí; thực hiện phân cấp các khoản thu phí, lệ phí phù hợp với chức năng quản lý nhà nước, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh, xã hội tại địa phương, đồng bộ với pháp luật về chính quyền địa phương; Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu xây dựng khoản thu hoặc thuế đối với các hoạt động, hình thức kinh doanh mới phù hợp với thực tế phát triển, đảm bảo quyền thu, đánh thuế của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Rà soát, hoàn thiện chính sách về thu khác thuộc ngân sách nhà nước phù hợp với thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.