Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: Nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư
Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ đã thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông của cả nước. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn để đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, do đó việc huy động nguồn vốn xã hội hóa tiếp tục được xác định là giải pháp trọng yếu.
Thu hút vốn đầu tư
Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có hơn 370.000 tỷ đồng được huy động để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, huy động theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư)… là 121.833 tỷ đồng, nhờ đó mạng lưới giao thông của cả nước từng bước được hoàn thiện, nhiều dự án quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông khoảng trên 1 triệu tỷ đồng; trong khi đó, việc huy động vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc còn hạn chế.
Tuy nhiên, ngành giao thông vẫn đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ huy động khoảng 288.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, lĩnh vực đường bộ dự kiến sẽ huy động khoảng 164.000 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường cao tốc, nâng cấp và mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế, các tuyến cao tốc và một số đoạn có nhu cầu cao trên tuyến đường bộ ven biển gắn liền với đê biển. Về lĩnh vực hàng hải, dự kiến huy động khoảng 44.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cửa ngõ quốc tế, cảng biển nước sâu tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Đối với đường thủy nội địa, sẽ huy động khoảng 11.000 tỷ đồng tập trung đầu tư vào hệ thống cảng chuyên dùng và một số luồng đường thủy trọng yếu tại khu vực phía Bắc, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Đối với hàng không, sẽ huy động khoảng 56.000 tỷ đồng đầu tư các nhà ga tại một số sân bay, cảng hàng không. Về đường sắt, sẽ huy động khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, bãi hàng, khu dịch vụ.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Dự thảo Đề án đưa ra một số giải pháp, trong đó về nguồn vốn, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ chỉ sử dụng cho phần đóng góp của Nhà nước trong các dự án PPP; nghiên cứu để có thể hình thành Quỹ Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng gói tín dụng với quy mô 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng. Đề án cũng nêu rõ, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng yếu, chấn chỉnh tình trạng đầu tư dài trải các dự án; đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông…
Theo các chuyên gia nước ngoài, để triển khai thành công các dự án giao thông theo hình thức PPP, khâu chuẩn bị đầu tư cần phải thận trọng, bởi đây thường là các dự án rất phức tạp. Trong quá trình chuẩn bị triển khai cần tính tới các yếu tố về quy mô và mức độ phức tạp của dự án, mục tiêu và vai trò của Chính phủ, cơ cấu nhà thầu, lãi suất thị trường; nghiên cứu kỹ tính khả thi, kinh tế của dự án; đồng thời xây dựng các chính sách về quản lý tài chính, thỏa thuận tài chính với các bên cho vay, thu thập thông tin thị trường. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề pháp lý và thể chế cho các dự án PPP, cần có cơ sở hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo dự án thực hiện theo PPP sẽ mang lại giá trị đầu tư cao so với hình thức đầu tư truyền thống.
Kiểm soát rủi ro tín dụng cho dự án giao thông
Ngày 15/7/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, có hiệu lực từ ngày ký.
Trước đó, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã chính thức lên tiếng về việc một số tổ chức tín dụng có xu hướng đẩy mạnh tín dụng đối với các dự án BOT giao thông. Xu hướng này nhằm tăng nhanh quy mô tín dụng đã tạo ra áp lực lớn về huy động vốn, gia tăng rủi ro do tập trung tín dụng vào một số ít khách hàng hoặc ngành, lĩnh vực.
Theo NHNN, việc cho vay đối với các dự án BOT, BT trong những hợp đồng vừa qua cho thấy, thời gian vay ngắn nhất là khoảng 15 - 18 năm và dài nhất là 25 - 30 năm. Riêng trong năm 2014, cam kết cho vay kết cấu hạ tầng đạt khoảng 115.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay BOT, BT của các ngân hàng là gần 89.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2015 đến 31/3/2015, cho vay BOT đã đạt xấp xỉ 81.000 tỷ đồng.
Năm 2014, cũng có những dư thừa nhất định về nguồn vốn và để có tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã đổ vốn vào cho vay giao thông. Tuy nhiên, năm 2015, nguồn vốn không dư thừa khi tính đến thời điểm hiện tại, huy động chỉ đạt khoảng 5% trong khi cho vay trên 7%. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải lúc nào cũng dư dả nguồn vốn, trong khi các khoản cho vay BOT, BT có giá trị lớn, kéo dài nhiều năm, làm gia tăng khả năng gây ra các rủi ro như mất cân đối nguồn vốn đối với từng ngân hàng cụ thể, hệ thống và toàn nền kinh tế là hiện hữu.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát của NHNN cho thấy rủi ro lớn khi có những “lệch lạc” đối với các đơn vị tham gia dự án ngay từ đầu. Cụ thể, có những doanh nghiệp không có kinh nghiệm bởi chưa từng đầu tư, tham gia xây dựng dự án cơ sở hạ tầng. Đồng thời, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu để tham gia vào dự án theo đúng cam kết. Trong khi để một dự án có hiệu quả, phải tính đến năng lực tài chính của doanh nghiệp, khả năng thu hồi vốn sau khi dự án được triển khai, hoàn thiện, đi vào vận hành và được quản lý như thế nào.
Trên thực tế, NHNN vẫn đang trình Chính phủ một gói vốn dành cho giao thông và đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải. Việc cho vay các dự án giao thông BOT, BT được khá nhiều ngân hàng ưa thích, bởi tính chính thống là dự án hạ tầng công, đặc biệt từ các dịch vụ đi kèm.
Hiện hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tập trung chủ yếu tại các ngân hàng có vốn nhà nước là chính như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước hiện chiếm thị phần lớn nhất trong toàn hệ thống (tính đến tháng 4/2015, chiếm xấp xỉ 46% về huy động vốn, khoảng 55% về tín dụng và 50% về tài sản).
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư cho cơ sở hạ tầng là cần thiết, cần xã hội hóa, nhưng song song với đó cũng cần phát hành trái phiếu chính phủ đối với các công trình trọng điểm quốc gia. Do đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các dự án BOT, BT giao thông; cung cấp thông tin và kịp thời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng về những rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trong cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài.